Nghệ An đưa sản phẩm tre nứa xuất ngoại

Khi công nghệ thông tin phát triển, các sàn thương mại điện tử bùng nổ đã tạo cơ hội cho các sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường, đưa thương hiệu các sản phẩm làng nghề tiến xa hơn.

Sản phẩm mây tre đan làng Diềm hay các sản phẩm dụng cụ tre nứa của Hợp tác xã tre của bà con dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ đang dần “lột xác” với mẫu mã mới, có tính ứng dụng cao, thiết kế bắt mắt đã chinh phục được thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...  Những đơn hàng triệu đô chính là “quả ngọt” của sự đam mê sáng tạo, nhạy bén nắm bắt của những người làm nghề.

Với suy nghĩ, sản phẩm của bà con làm ra đều là đan lát thông thường, mẫu mã chưa đa dạng, còn đơn điệu nên khó tiếp cận thị trường, bà Lang Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm xã Châu Khê, huyện Con Cuông đã từng bước đưa hoa văn, họa tiết từ các sản phẩm thổ cẩm được dệt trên khăn, váy áo của người Thái ứng dụng vào các sản phẩm đan lát.

Đáng lưu ý, bà Hoa còn tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở trong rừng về giã và nấu lên, nhuộm nan thành các màu sắc khác nhau để làm thành họa tiết nhiều màu sắc, phối màu lên bề mặt sản phẩm. Khi ra thành phẩm, hoa văn, họa tiết thực sự nổi bật và bắt mắt, không hề có hoá chất khiến khách hàng và du khách rất thích thú.

Bên cạnh những sản phẩm với các loại vật dụng truyền thống, Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thủ công chất lượng cao. Những chiếc đĩa đựng hoa quả, bánh trái với đủ hình dạng, hoa văn; những chiếc hộp để bút, những chiếc túi xách xinh xắn được làm từ những sợi mây, sợi mét, được nhuộm màu tự nhiên và những hoa văn là kết tinh văn hóa truyền thống của người Thái, rất phù hợp xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới.  

Từ bàn tay khéo léo, sáng chế ra những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt của các nghệ nhân, sản phẩm đan lát làng nghề bản Diềm dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm truyền thống mỹ nghệ làng nghề bản Diềm có mặt tại các hội chợ thương mại lớn, các cuộc triển lãm trên khắp cả nước. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm nhận  5-7 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm “xuất ngoại”, bà con làm ra sản phẩm đến đâu được xuất đi đến đó, không có tình trạng tồn kho.

vna-potal-nghe-an-dua-san-pham-tre-nua-xuat-ngoai-stand-1646446696.jpeg

Những phụ nữ bản Diềm đan các sản phẩm mây tre. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bà Lang Thị Hoa chia sẻ: “Bà con giờ đan lát quanh năm, mỗi sản phẩm có giá từ 30.000 đồng đến cả triệu đồng tùy mẫu mã. Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3-4 lần so với các đơn hàng khác. Do đó, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã cũng cao hơn, ổn định hơn, giúp bà con gắn bó hơn với nghề. Thông qua kênh tiêu thụ này, làng nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái Con Cuông được các nước biết đến”.

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu của Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm. Bởi vậy, đào tạo thêm lớp trẻ kế thừa và đưa bản Diềm trở thành điểm du lịch cộng đồng để du khách đến tham quan, trải nghiệm và quảng bá sản phẩm mây tre đan trên các sàn thương mại điện tử đang là hướng đi của Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm trong thời điểm này.

Muốn đem lại giá trị kinh tế cao cho cây tre, thổi vào cây tre luồng gió mới tạo ra những sản phẩm dân dụng phù hợp với xu thế hiện nay, anh Thái Đăng Tiến – Giám đốc Hợp tác xã Trà Lân, huyện Con Cuông đã tạo nên những giá trị mới cho cây tre ngay trên chính mảnh đất quê hương. 

Nhận thấy nguồn tài nguyên từ tre, trúc, mét thì hầu như vô tận, do có thể tái sinh trong thời gian ngắn, là sản phẩm "xanh" đúng nghĩa. Vì vậy, nghĩ là làm, anh Thái Đăng Tiến bắt tay thực hiện ý tưởng.

Để làm ra một sản phẩm từ tre không hề đơn giản, thường thì sau khi khai thác tre, đa phần sẽ vứt gốc đi. Nhưng anh Thái Đăng Tiến nhận thấy thứ bỏ đi ấy sẽ "đẻ ra tiền" nếu được chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. 

Anh Thái Đăng Tiến thuê máy múc lên rừng đào rễ tre tìm nguyên liệu. Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt sẽ được các thợ tiện chế tác thành sản phẩm, chủ yếu là ấm pha trà, cốc hay bình cắm hoa. Những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước... cũng được dùng từ những phần cành, rễ, nhánh của cây tre mang nét đẹp riêng biệt.  

Ngoài ra, nhằm tiếp cận thị trường lớn, anh Thái Đăng Tiến đã trải qua thời gian đúc rút kinh nghiệm và tìm tòi học hỏi để cho ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Bộ sản phẩm của hợp tác xã bao gồm gần 15 sản phẩm. Giờ đây, các sản phẩm độc đáo từ cây tre của Hợp tác xã Trà Lân như bình trà, cốc chén, hộp bút, khay nước, hộp tăm, lọ hoa… được làm từ tre đã có mặt trên khắp cả nước bởi tính thẩm mỹ tinh tế và hữu dụng.

 “Sản phẩm của hợp tác xã hiện có mặt tại các homestay một số tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng triển khai quảng bá và nhận làm các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng thông qua mạng xã hội. Một số đơn hàng cũng đã xuất sang  châu Âu làm quà tặng. Hiện Hợp tác xã Trà Lân tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới, bao gồm cả trang trí nội thất bằng tre, xu hướng mới trong trang trí nội thất hiện nay”. Anh Thái Đăng Tiến chia sẻ.

Nắm bắt xu hướng nông nghiệp xanh, đặc biệt là tại các nước châu Âu, những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao, ngoài cây tre, Hợp tác xã Trà Lân còn mở rộng khai thác giá trị của cây măng sặt, cây trúc. Ngoài ra, hợp tác xã đã đưa giống cây này về trồng tại xã Châu Khê với diện tích 4ha. Sau 2 năm trồng và xử lý, dự kiến thời gian tới Hợp tác xã Trà Lân sẽ xuất sang các nước châu Âu, Israel với giá trị cao.

Theo ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, để gìn giữ, phát huy làng nghề mây tre đan cũng như các sản phẩm tre trúc, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ và vừa vay vốn; đồng hành cùng bà con mang sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, kết hợp đào tạo nghề để người dân làm ra những sản phẩm đẹp mang tính cạnh tranh, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đều có quy định về nhập khẩu sản phẩm từ mây, tre đan và thủ công mỹ nghệ; trong đó, đặc biệt là các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.  

Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng: Muốn nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ tre nứa, người dân phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi sản xuất các sản phẩm này. Các thị trường quốc tế có đòi hỏi cao; đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi người dân đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn giúp đóng góp vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững và đóng góp cho an sinh xã hội./.