Trần Lân

Dấu hiệu nhận diện "sốt đất ảo"

Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện tình trạng sốt đất. Vậy, làm thế nào để nhận diện "sốt đất ảo"?

Không chỉ có những cơn "sốt đất" cục bộ trong năm 2021, mà ngay những ngày đầu năm 2022, tình trạng "sốt đất" tiếp tục tiếp diễn ở nhiều địa phương. Bên cạnh việc các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp, sự điều chỉnh để hạ nhiệt, minh bạch thị trường bất động sản, các chuyên gia còn khuyến cáo những người có ý định đầu tư bởi trong đó có sự bất hợp lý.

Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn những dấu hiệu sốt đất ảo và cách phòng tránh rủi ro khi đầu tư

Sốt đất ảo là gì?

Sốt đất ảo là cụm từ chỉ sự gia tăng giá đất trên diện rộng với mức tăng đột biến trong thời gian ngắn nhưng nhu cầu sử dụng đất không có thật. Người mua đất chủ yếu là giới đầu cơ, không nhằm mục đích để ở hay xây dựng kinh doanh.

Các cơn sốt đất ảo thường do những môi giới hay "cò" bất động sản dùng các chiêu trò để tạo sóng, thổi giá đất nền lên cao, nhằm đánh vào tâm lý nhà đầu tư với mong muốn đạt tỷ suất lợi nhuận cao và có thể "chốt lời" nhanh chóng.

ma-tran-quang-cao-dat-nen-tren-dai-lo-thang-long-mlna-1648952025.jpg Ảnh minh họa

Dấu hiệu để nhận biết sốt đất ảo

Sốt đất ảo thường xuất hiện tại các vùng ven có sự bùng nổ về thông tin quy hoạch. Giá đất nền thường tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Những khu vực sốt đất ảo thường xảy ra tình trạng đặt cọc phức tạp khi mua bán và nhiều dấu hiệu bất thường.

Làm cách nào để hạn chế rủi ro đầu tư khi thị trường xảy ra sốt ảo?

Người mua cần quan sát thị trường trên diện rộng để nắm được diễn biến từng thời điểm. Trước khi quyết định giao dịch, cần tiến hành thẩm định giá bằng nhiều phương pháp. Đó là so sánh các hoạt động mua bán gần nhất, đối chiếu vị trí, mật độ dân số, tiện ích xung quanh, khoảng cách di chuyển và giá trị khai thác để tránh đưa ra quyết định thiếu chính xác trong giai đoạn thị trường bị nhiễu loạn thông tin.

Nếu nhận thấy giá bất hợp lý, không nên mua vào vì rủi ro rất lớn. Thậm chí, giới chuyên môn còn khuyên nhà đầu tư cân đối dòng tiền cho phù hợp. Chỉ dùng tiền nhàn rỗi, dài hạn để mua bất động sản. Tránh đi vay trong giai đoạn thị trường sốt đất ảo nhằm tránh bẫy lãi suất thả nổi.

Sốt đất thật là gì?

Về lý thuyết sốt đất là hiện tượng giá đất tăng đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn, chủ yếu xuất phát từ “hiệu ứng đám đông” khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và đẩy giá lên do nguồn cung hạn chế.

Tuy nhiên, những “cơn sốt thật” này rất dễ trở thành “sốt ảo” khi giá đất không còn phản ánh đúng giá trị và nhu cầu thực tế mà chỉ dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi; là do nhu cầu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ...

Ở góc nhìn khác, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đầu tư “lướt sóng” theo đám đông là nguyên nhân gây ra những cơn sốt ảo, đẩy giá nhà đất tăng nhanh và tăng cao so với giá trị thật, dẫn đến hỗn loạn thị trường.

Nguyên nhân căn cốt dẫn đến “sốt đất” tại nhiều địa phương chủ yếu xuất phát từ các chủ trương quy hoạch, đầu tư của doanh nghiệp và nhà nước chứ không phải dựa trên các căn cứ về quy hoạch cụ thể, rõ ràng hoặc do “rò rỉ” thông tin - tất nhiên tính chính xác không thể kiểm chứng rằng vùng này, khu vực này sẽ có dự án này, dự án kia.

Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này, điều quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch thông tin về quy hoạch. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn và đặc biệt là hệ thống pháp luật phải hoàn thiện hơn, phải có chế tài để xử lý, điều chỉnh các dấu hiệu, hiện tượng bất thường.