Trần Lân

Đắk Nông xây nhiều vùng sản xuất nông sản chất lượng cao

Áp dụng khoa học kĩ thuật, trồng giống chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều loại nông sản theo vùng là những gì Đắk Nông đang hướng tới.

Được thiên nhiên ưu đãi và đất đai rộng lớn, Đắk Nông có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nhưng để tăng năng suất chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, Đắk Nông còn rất nhiều việc phải làm.

Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh, Hội nông dân (HND) Đắk Nông trong những năm gần đây đã hỗ trợ giúp đỡ bà con tiếp cận khoa học kĩ thuật để tăng năng suất, đồng thời đưa những giống chất lượng cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tăng giá trị, chất lượng.

Từ năm 2020, HND tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ huyện Đắk Mil xây dựng vùng sản xuất xoài VietGAP tại xã Đắk Gằn. Vùng sản xuất này có 196 hộ dân, với trên 283 ha. Nhờ đó, sản phẩm xoài Đắk Gằn đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, giúp  nông dân Đắk Gằn liên kết, phát triển sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế.

xoai-dn-1654000308.jpg Đắk Nông đã xây được nhiều vùng xoài VietGAP và tạo được thương hiệu

Cũng trong năm 2021, các cấp HND Đắk Nông đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, tại huyện Cư Jút, HND tỉnh đã xây dựng Tổ hợp tác sản xuất lúa VietGAP, với diện tích 100 ha.

Tại huyện Tuy Đức, HND tỉnh xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EM trong canh tác hồ tiêu hữu cơ, với diện tích 30 ha. HND tỉnh hỗ trợ nông dân Đắk Mil xây dựng mô hình phơi sấy cà phê chất lượng cao trong nhà kính.

Tại huyện Krông Nô, HND tỉnh hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng 35 ha cây lõi thọ theo hình thức tập trung và phân tán, cho giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, HND tỉnh còn hỗ trợ huyện Krông Nô xây dựng cánh đồng lúa VietGAP tại Buôn Choáh; hỗ trợ huyện xây dựng chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và mẫu bao bì cho sản phẩm gạo VietGAP.

HND tỉnh hỗ trợ nông dân tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) xây dựng mô hình phơi sấy, chế biến sản phẩm đàn hương trong nhà kính để làm trà thảo dược. Ông Nguyễn Chính Luận, thôn 8, xã Đắk Ha cho biết, đàn hương là cây trồng có giá trị kinh tế khá cao.

Gia đình ông trồng 2.000 cây đàn hương từ năm 2015 và đã cho thu hoạch. Lá, thân, lõi, rễ của cây đàn hương đều sử dụng được để làm trà, dược liệu, mỹ phẩm...

Các sản phẩm đàn hương đều được ông bán với giá từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng tùy loại. "Nhờ có HND tỉnh hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, nên chúng tôi đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế", ông Luận chia sẻ.

Ngoài ra, HND Đắk Nông còn đang hỗ trợ bà con xây dựng những vùng lúa VietGAP bằng việc hỗ trợ kĩ thuật, kinh phí chứng nhận vùng lúa VietGAP với những giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 và kết quả đang rất khả quan. Theo đó, lúa được doanh nghiệp thu mua tận ruộng với giá cao, trong khi năng suất khoảng 8-10 tấn/ha. Trừ chi phí, các hộ thu về từ 30-40 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với trước đây.

Trước những thành quả đạt được, Chủ tịch HND Đắk Nông, ông Hồ Gấm cho biết trong thời gian tới, ngoài việc nhân rộng các vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, HND tỉnh sẽ tiếp tục cùng với các cấp, các ngành đồng hành, hỗ trợ nông dân về xúc tiến thương mại, góp phần đưa nông sản Đắk Nông phát triển lên những tầm cao mới.