Trần Lân

Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu

Ban Chỉ đạo 389 (Bộ Công Thương) thực hiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng.
qltt-soc-trang1-1651026083.jpg Tăng cường kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu. Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Tạp chí Công Thương).

Thự hiện công văn số 2187/BCĐ389-CQTT ngày 26/4/2022 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ban hành. Ban Chỉ đạo 389 triển khai tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu trên thị trường hiện nay.

Theo công văn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại công văn 2310/VPCP-V.I ngày 14/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị, lực lượng chức năng liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 của Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu; tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với lực lượng Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Các đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận thương mại xăng dầu.

Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng vi phạm.