Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu phản ánh về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương tham khảo thông tin báo chí phản ánh về việc giao thương quốc tế, lừa đảo xuất khẩu nông sản, để nghiên cứu, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong thương mại quốc tế.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 2752/VPCP-QHQT ngày 30/4/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh giao Bộ Công Thương nghiên cứu thông tin báo chí nêu về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương tham khảo thông tin báo chí phản ánh về việc giao thương quốc tế, lừa đảo xuất khẩu nông sản, để nghiên cứu, chủ động thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong thương mại quốc tế.

2-1651547701.jpg

Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu phản ánh về rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản.

Trong những tháng đầu năm 2022, đã xảy ra một vụ việc khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản "hoang mang", đó là 100 container xuất khẩu điều sang Italy có dấu hiệu lừa đảo.

Trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "nhờ thu" hay còn gọi là "trả tiền nhận chứng từ D/P" và rủi ro đã xảy ra khi các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam trong nước và nước ngoài đã kịp thời vào cuộc, "nhanh chân" giữ lại được đa số các container, chỉ còn 10 container có bộ chứng từ gốc và 23 container mất chứng từ đang được xử lý tiếp.

Câu chuyện trên không phải là lần đầu tiên tình trạng lừa đảo ngoại thương mới xảy ra mà đã diễn ra ở khắp các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi phức tạp, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đặc biệt khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường... Đặc biệt, lưu ý về các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro, trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Không ít doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam bị mất tiền, mất hàng vì quá tin vào đối tác lạ ở nước ngoài, hoặc mất cảnh giác khi nhận được đơn hàng có giá trị lớn.

Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc, Công ty KN Universe Plastic là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo doanh nghiệp Việt mà trước đó Thương vụ đã cảnh báo vào tháng 4/2020. Do đó, ngày 7/3 mới đây, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã đưa ra cảnh báo khẩn với các doanh nghiệp Việt Nam về việc: Tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng trực tiếp giao dịch có tên là Khalid thuộc Công ty KN Universe Plastic, địa chỉ tại Kasbat Amine 2 gh 06 ent 01 apt 13 Lissasfa Casablanca, Maroc; điện thoại di động/whatsap: +212661607818.

Thủ đoạn trước đây của đối tượng Khalid và Công ty Fisherlab Sarl là ký hợp đồng nhập khẩu từ 1-2 lần đầu số lượng ít, thanh toán đầy đủ để tạo niềm tin. Sau đó, đối tượng này đề nghị ký hợp đồng lớn và trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền, không hợp tác để xử lý lô hàng, thông đồng lấy trộm hàng, lảng tránh mọi liên hệ.

Mới đây, đối tượng nêu trên tiếp tục lừa 1 doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhựa nguyên liệu của Việt Nam với thủ đoạn mới. Cụ thể, đại diện công ty này trao đổi với doanh nghiệp xuất khẩu có người nhà bị COVID-19 sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ. Ngay khi nhận được thông tin ngày 3/3, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc đã cùng doanh nghiệp trao đổi, bám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo từng bước nhằm xử lý vụ việc và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tàu, đối tượng Khalid và KN Universe Plastic đã thông quan trộm lô hàng từ ngày 29/1/2022.