Trần Lân

Hà Tĩnh: Thanh niên 9X trồng thành công Đông trùng hạ thảo

Với mong muốn sản xuất ra Đông trùng hạ thảo có chất lượng tốt với giá cả hợp lý để mọi người đều có thể sử dụng chăm sóc sức khỏe, anh Nguyễn Thành Luân (Sn 1992, trú tại thôn 5, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), đã nghiên cứu, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm từ những mô hình và nuôi trồng thành công giống nấm dược liệu quý này.

Trầy trật vì trồng nấm

Học xong phổ thông, Nguyễn Thành Luân xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm ở lĩnh vực linh kiện ô tô.

20220113-102431-1647959571.jpg Anh Luân nuôi trồng thành công Đông trùng hạ thảo.

Sau 6 năm làm việc nơi đất khách quê người, gom góp được ít vốn, Luân trở về quê học nghề và mở cửa hàng sửa chữa điện dân dụng. Tuy nhiên, quá trình hành nghề tại địa phương, thu nhập bấp bênh. Lúc này, một số người bạn của anh lại khá thành công trong việc trồng nấm. Nên anh học tập để chuyển sang trồng nấm.

Năm 2018, Luân bắt tay vào trồng các loại nấm như: nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi.

Tuy nhiên, thời điểm đó sản phẩm làm ra lại gặp khó khăn trong tiêu thụ bởi thị trường nấm ăn, nấm dược liệu chưa phổ biến, năng suất kém.

1aa8bf97239ceec2b78d-1647959622.jpg Khách hàng tìm hiểu sản phẩm Đông trùng hạ thảo của anh Luân.

Qua tìm hiểu anh thấy được đây là loại nấm được coi là dược liệu quý và hiếm, khó nuôi trồng nhất trong các loại nấm. Nhưng những tác dụng của Đông trùng hạ thảo đối với sức khỏe vô cùng tuyệt vời nên anh đã có quyết tâm phải tập trung làm cho bằng được. Luân chuyển hướng thử nghiệm trồng Đông trùng hạ thảo. Do đó, anh học nghề trồng nấm từ một người bạn ở Hải Phòng. Đi học tập, tham quan tại các cơ sở trồng Đông trùng hạ thảo ở các tỉnh bạn.

Đầu năm 2019, anh xây dựng nhà xưởng tại quê và anh nhập phôi giống từ Hải Phòng về trồng thử nghiệm. Anh lấy tên là Đông trùng hạ thảo Thiên Tâm.

Anh Luân chia sẻ với phóng viên: “Gần 3 năm mày mò, tất cả các quy trình nuôi trồng tôi làm đều hỏng. Từ kỹ thuật nuôi, phối trộn nguyên liệu, điều tiết nhiệt độ, môi trường không có cái nào khả quan. Lúc ấy tôi rất chán nản và đã có lúc nghĩ sẽ bỏ cuộc”.

Anh Luân cho biết, anh đã mất trắng hơn 100 triệu đồng khi bắt tay vào nuôi trồng Đông trùng hạ thảo. Mãi đến năm 2021, anh mới đúc rút được một quy trình chuẩn về Đông trùng hạ thảo, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương.

Tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình

Sau 3 trầy trật vì nấm, người thân, bạn bè, hàng xóm đều khuyên anh nên bỏ việc trồng nấm để làm việc khác lại khiến anh càng thêm trăn trở. Anh vẫn không bỏ cuộc  và  cuối cùng những mẻ Đông trùng hạ thảo đầu tiên ra đời, màu vàng đậm, cây múp mẩy, hàm lượng dinh dưỡng cao... đã khích lệ tinh thần cho chàng thanh niên trẻ.

20220113-102300-1647959695.jpg Nhân viên kiểm tra sự phát triển của Đông trùng hạ thảo trong phòng lạnh.

Mô hình nuôi Đông trùng hạ thảo được anh Luân xây dựng theo quy trình khép kín, gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị: 1 phòng vô trùng, 1 phòng lạnh, phòng cấy nấm và các trang thiết bị cần thiết cho việc nuôi cấy Đông trùng hạ thảo như: Máy lắc, nồi hấp, điều hòa, giá nuôi…

Hiện, cơ sở của anh đã có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, gồm: Đông trùng hạ thảo (sấy theo phương pháp sấy lạnh thăng hoa) và Rượu đông trùng hạ thảo Thiên Tâm.

2d924829b21a7e44270b-1647959761.jpg Thu hoạch Đông trùng hạ thảo.

Sản phẩm được bán với giá 400 ngàn đồng/ hộp 10g; 800 ngàn đồng/ hộp 20g. Rượu đông trùng hạ thảo loại cao cấp giá bán 400 ngàn đồng/chai 500 ml; loại thường giá 300 ngàn đồng/chai 500ml. Bình quân mỗi năm cơ sở của anh đưa ra thị trường khoảng 2.000 lọ nấm Đông trùng hạ thảo sấy khô loại 10g và 20g; trên 750 lít rượu Đông trùng hạ thảo.

Anh Luân chia sẻ, hiện tại sản phẩm của cơ sở làm ra không đủ để cung cấp cho thị trường. Toàn bộ sản phẩm đều đang bán lẻ, thị trường tự do, chủ yếu thông qua mạng xã hội.

Khi đạt được sản lượng lớn, ổn định, anh sẽ quảng bá, bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, đồng thời mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các địa phương khác.

75e2d5cf29fce5a2bced-1647959831.jpg Sản phẩm Đông trùng hạ thảo của anh Luân.

Tiếp đà thắng lợi, năm 2022 anh Luân đã đầu tư 400 triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi trồng, nâng từ nuôi 700 lọ/lứa lên 10.000 - 15.000 lọ/lứa, xây dựng thêm nhà xưởng cùng hệ thống máy móc sản xuất. Mở rộng thị trường tiêu thụ. Ký kết với các doanh nghiệp và HTX sản xuất nguyên liệu đầu vào đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời anh xây dựng 2 cửa hàng giới thiệu và bán các loại sản phẩm Đông trùng hạ thảo tươi, sấy khô, rượu ngâm đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong... để nâng cao thu nhập.

Trao đổi với phóng viên, Ông Phan Xuân Đức - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Thành Luân. Luân là một thanh niên có suy nghĩ táo bạo, dám đột phá, luôn biết học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn để phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Đông trùng hạ thảo là đối tượng nuôi trồng rất mới ở huyện Hương Sơn. Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa, đồng thời khuyến khích anh Luân mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình ở nhiều hộ dân khác nhằm góp phần đa dạng hóa ngành nghề kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, cơ sở Đông trùng hạ thảo Thiên Tâm của anh Luân còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.