Trần Lân

Giống cây 'trời ban' giúp huyện miền núi Nghệ An xóa đói giảm nghèo

Tận dụng lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng, hàng trăm gia đình ở huyện Quế Phong (Nghệ An) đã thoát nghèo nhờ trồng quế. Cũng nhờ cây quế này mà nhiều em học sinh có điều kiện được đến trường, viết tiếp ước mơ...

Huyện Quế Phong được xem là "thủ phủ" của cây quế ở tỉnh Nghệ An. Vào những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước, cây quế cổ thụ mọc tự nhiên trong rừng ở Quế Phong rất nhiều. Biết được giá trị kinh tế, người dân địa phương đã kéo nhau vào rừng thu hoạch, thậm chí chặt cả cây mang về bán.

Do tình trạng khai thác quá mức, cây quế rừng dần ngày càng khan hiếm. Nhận thấy được điều này, người dân bản Chiếng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) đã mang cây quế con về ươm trồng trong vườn, trên rẫy.

Nhờ phù hợp với khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng, cây quế ở Hạnh Dịch phát triển nhanh, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc. Chỉ sau 5-10 năm, cây có thể cho thu hoạch.

11-1652791568.jpg Ông Hà Văn Ngầm đang chăm sóc vườn quế của gia đình.

Hiện nay không chỉ ở Hạnh Dịch, quế còn được trồng nhân rộng ở nhiều xã của huyện Quế Phong như: Thông Thụ, Đồng Văn, Châu Kim, Mường Nọc… Giống cây này dần trở thành sinh kế chính của hàng trăm hộ gia đình. Trong những năm gần đây, các hộ dân trồng quế không cần lo lắng về đầu ra, bởi giá quế cao, ổn định, tiểu thương đến mua tận vườn.

Đang chăm sóc những cây quế mới trồng, ông Hà Văn Ngầm (trú bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch) cho biết, năm 2002, ông nhận cây giống về trồng, sau 4 năm cho khai thác. Nhờ có tiền bán quế mà gia đình ông làm được nhà, mua được nông cụ, máy móc, cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Theo ông Ngầm, chăm sóc quế khá đơn giản, chỉ cần bón phân lần đầu để cây phát triển nhanh, hằng năm dọn cỏ 2 hoặc 3 lần và đặc biệt là thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây để xử lý kịp thời.

Khi cây lớn, không chỉ vỏ mà cành quế, nhánh nhỏ tỉa ra cũng bán được. Cây càng to, lâu năm, giá càng cao. Sau khi thu hoạch, hiện gia đình ông Ngầm đang trồng mới thêm 3.000 cây.

Hiện, toàn xã Hạnh Dịch có gần 100ha cây quế, cho sản lượng khai thác khoảng 50 tấn. Với mức giá trung bình 60.000 đồng/kg thì cây quế mang lại khoảng 3 tỷ đồng cho người dân địa phương. Tùy theo diện tích và số lượng cây trồng, bình quân mỗi hộ dân có thu nhập từ 50-200 triệu đồng/lứa.

21-1652791584.jpg Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hỗ trợ người dân phát triển cây quế.

Bà Lữ Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết, nhờ định hướng đúng và chủ động của xã, cũng như sự tích cực của người dân, diện tích cây quế của xã được nâng lên hàng năm. Vào thời điểm năm 1995, diện tích cây quế của xã chỉ có khoảng 6ha thì hiện nay đã đạt 100ha. Cây quế giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, trước đây, toàn huyện Quế Phong có hơn 3.000ha cây quế; tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay chỉ còn khoảng 500ha, tập trung chủ yếu ở các xã Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Châu Kim, Mường Nọc…

Thời gian qua, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Trung tâm nghiên cứu lâm sản khảo sát cùng bảo tồn giống quế quỳ để ươm giống, nhân rộng diện tích nhằm tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Theo ông Dũng, quế là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa ở địa phương. Hiện nay, UBND huyện Quế Phong đang nỗ lực phối hợp các ngành nhân giống, đồng thời thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế cũng như vận động tuyên truyền người dân trồng quế để nâng cao thu nhập.