Trần Lân

Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48% trong 6 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%...

Báo cáo kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp quý II vừa qua tăng trưởng khá, với tốc độ giá trị tăng thêm ước tăng 9,87% so với cùng kỳ năm trước, nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70% (đóng góp 48,33%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với mức tăng 9,66%.

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; ngành khai khoáng tăng 2,28%.

Tháng 6/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính chỉ tăng 1,1% so với tháng trước (tháng trước tăng 4%) nhưng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,2% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,1%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt lần lượt tăng 6,9% và 6,3%; cung cấp nước; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,5% so với tháng trước nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ.

nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-cua-ha-noi-tang-truong-78-1657115082.jpg Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 9,4%. Ảnh Petrotimes.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 11,6%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6% (cùng kỳ tăng 8,6%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 6,8%); ngành khai khoáng tăng 3,9% (cùng kỳ giảm 6%).

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, quặng và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên cùng tăng 55%; sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 25%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 23,6%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tăng 24,2%. Trong khi đó, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm gồm sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị (giảm gần 11%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 8,5%); thoát nước và xử lý nước thải (giảm 2%).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 6 tháng ghi nhận chỉ số sản xuất tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như linh kiện điện thoại (tăng hơn 22%); bia (tăng hơn 14%) và phân ure (tăng gần 14%). Ngoài ra, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo nửa đầu năm là 78%, thấp hơn con số 92% của cùng kỳ năm ngoái.