Dự kiến xuất khẩu thủy sản vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2022

Ngày 23/8, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này, đã có tới 3 Nghị quyết của Đảng đề cập sâu tới phát triển kinh tế thủy sản; Luật Thủy sản và 14 văn bản hướng dẫn thực thi Luật được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành kinh tế này.

Đáng chú ý, thời gian qua Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Công tác giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển được triển khai thực hiện (qua hệ thống giám sát tàu cá) nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Từ đó, tiến tới gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi thuận lợi xuất khẩu thủy sản sang EU.

Vì thế, tại hội thảo các đại biểu đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành có liên quan, kịp thời ban hành các quy định liên quan đến phương tiện kỹ thuật, thẩm quyền, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngư.

Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xác định vùng nuôi trồng thủy sản, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Quan tâm bố trí nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển hậu cần nghề cá cũng như kinh phí triển khai các nhiệm vụ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…

Theo Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3 – 4%/năm, tổng lượng thủy sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 3,5 triệu lao động. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Đánh giá từ Tổng cục Thủy sản, chế biến thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 – 2022, các cơ sở chế biến thủy sản công nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, hiện có hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào các thị trường. Trong đó, gần 700 cơ sở xuất khẩu vào thị trường EU. Việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định đã giúp thủy sản của Việt Nam được gần 200 quốc gia ưa chuộng.

z-a-3052-1661341693-1661442641.jpg

Xuất khẩu thủy sản dự kiến vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin, các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định khá đầy đủ và hoàn thiện. Qua hai đợt thanh tra, kiểm tra thực tế tại Việt Nam và các cuộc làm việc trực tuyến phía EC đánh giá cao sự minh bạch, nghiêm túc và nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU. Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bốn nhóm khuyến nghị của EC về hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

“Trong những năm qua, ngành Thủy sản cũng đã phối hợp rất tốt với các bộ ngành, địa phương liên quan và cũng nhận được sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương liên quan trong quá trình quản lý thủy sản cũng như là phát triển sản xuất, nuôi, chế biến, xuất khẩu, góp phần tích cực trong sự tăng trưởng, phát triển chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, hoạt động thủy sản đang đứng trước rất nhiều thách thức từ yêu cầu hội nhập quốc tế, sự phát triển nhanh trong nước và nhiều ngành, lĩnh vực liên quan. Điều này rất cần thiết cho sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ ngành liên quan đến lĩnh vực thủy sản", ông Hùng cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã báo cáo thực trạng xuất khẩu thuỷ sản từ đầu năm.

Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản 7 tháng đầu năm đạt con số cao kỉ lục, 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay, tăng 12 – 15% so với năm 2021.

Trước những con số ấn tượng như vậy, các đại biểu cho rằng chúng ta càng cần có thêm những chủ trương, chính sách để khai thác hết thế mạnh, tiềm năng, đồng thời để giải quyết những khúc mắc, khó khăn.

Chính vì thế, tại phần kết luận của hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất, từ đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị đến các cơ quan có liên quan để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật về nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản.