Trần Lân

Đẩy mạnh giáo dục, trang bị kỹ năng làm cha mẹ để bảo vệ trẻ em

Ngôi nhà phải là nơi an toàn nhất, là nơi mà mỗi người sẽ tìm về những lúc khó khăn hay căng thẳng trong cuộc sống, song ngôi nhà trong xã hội hiện đang chứa đựng nhiều vấn đề đáng báo động về mặt đạo đức, bạo lực và kể cả về mặt nhân tính - không thực sự an toàn với trẻ, người yếu thế và phụ thuộc...
https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/cong-tac-bao-ve-tre-em-mot-so-dinh-huong-trong-thoi-gian-toi-1654251362.jpg
 

Liên tiếp các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em đã và đang xảy ra gây bức xúc dư luận xã hội. Đáng nói, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em lại xuất phát từ chính trong gia đình. Ngôi nhà - nơi được coi là an toàn nhất đối với mỗi người, đặc biệt là trẻ nhỏ, thì nay lại là nơi tước đi hạnh phúc, bình yên, thậm chí là quyền được sống của trẻ…

Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), có đến 71% trẻ từ 1-4 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực. Do kỷ luật bạo lực vẫn được xem là một phương pháp dạy dỗ trẻ theo quan niệm “yêu cho roi cho vọt”, trong khi trẻ em không thể lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Vì vậy, nhiều vụ án đau lòng với trẻ vẫn liên tiếp xảy ra, gây bức xúc dư luận xã hội. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, có 67,2% trẻ em từ 10-14 tuổi đã từng trải qua ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình.

Đặc biệt, những vụ việc gây rúng động dư luận thời gian gần đây một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Điển hình, vụ hai bé gái nghi ngờ bị bố dượng bạo hành gây thương tích ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang được cơ quan công an thụ lý điều tra khiến dư luận vô cùng hoang mang; vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM tử vong sau trận đòn nhiều giờ đồng hồ của mẹ kế và sự vô tâm của người cha đẻ; vụ người tình của mẹ bắn 10 chiếc đinh vào hộp sọ một bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội sau nhiều ngày đánh đập, đầu độc không thành; hay vụ người cha ném con 3 tuổi xuống sông vì giận vợ; vụ bé gái 6 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã thiệt mạng sau cơn nóng giận của cha đẻ vì áp lực dạy con học online… Thậm chí, mới đây nhất, một người cha trong gia đình vì quẫn trí do làm ăn thua lỗ, đã tự sát cùng với vợ và hai con nhỏ của mình… Nhiều trẻ em đã bị tước đi quyền sống bởi bố mẹ bế tắc trong cuộc sống; bị xao nhãng, bạo lực, bỏ rơi bởi sự vô tâm của chính những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình…

Thống kê của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, qua 17 năm hoạt động, Tổng đài đã nhận được trên 4,5 triệu cuộc gọi đến, trong đó, can thiệp, hỗ trợ hơn 2.700 trẻ em bị bạo lực. Trung bình, mỗi ngày Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 1.400 cuộc gọi và tư vấn gần 100 ca/ngày. Các vụ xâm hại trẻ em cũng liên tục tăng cao. Nếu như năm 2018, Tổng đài 111 tiếp nhận và can thiệp 806 ca, thì đến năm 2020 là 1.292 ca. Đáng nói là, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổng đài 111, năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất, với 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020.

Đẩy mạnh giáo dục,trang bị kỹ năng làm cha mẹ để bảo vệ trẻ em
Ảnh minh họa.-Ảnh: Molisa

Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc truyền thông Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) cho rằng, những vụ việc đã xảy ra cho thấy, ngôi nhà đang chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thiếu sự bình an, an toàn hơn so với trước kia. Ngôi nhà phải là nơi an toàn nhất, là nơi mà mỗi người sẽ tìm về những lúc khó khăn hay căng thẳng trong cuộc sống, song ngôi nhà trong xã hội hiện đang chứa đựng nhiều vấn đề đáng báo động về mặt đạo đức, bạo lực và kể cả về mặt nhân tính - không thực sự an toàn với trẻ, người yếu thế và phụ thuộc.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết, theo một số nghiên cứu, trẻ em từ 3-8 tuổi có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất, trong đó, 98% do người có quen biết. Nguyên nhân các gia đình tập trung cho cuộc sống nhiều quá nên lãng quên nguyên tắc an toàn của trẻ em. Đặc biệt, có thể trẻ đã từng kể về việc mất an toàn nhưng cha mẹ bỏ qua dấu hiệu nguy cơ con từng nói trước đó, khi xảy ra thì đã quá muộn.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, hiện nay, nhiều gia đình chưa ý thức, ngại nói về vấn đề giáo dục giới tính với trẻ. Theo nghiên cứu, khoảng 30% khi nghe tin không tin vào sự việc. Do vậy, trước hết cần thay đổi nhận thức của cha mẹ, thậm chí có thể cân nhắc, quy trách nhiệm xử lý những trường hợp bố mẹ vô trách nhiệm, dẫn đến những tổn thương không thể vãn hồi ở trẻ.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, cuộc sống hiện đại khiến cha mẹ có nhiều áp lực lớn, nhất là khi đại dịch Covid-19 vừa qua đã tác động không nhỏ đến cuộc sống, an sinh của mỗi người. Việc làm sao để ngôi nhà trở nên an toàn hơn với trẻ là điều mà chúng ta cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba. Cả xã hội hãy hành động thay vì chỉ lên tiếng. Vì trẻ em bắt đầu từ con em mình nhưng phải nhìn rộng hơn, vì cả con em của những người xung quanh nữa. Có như vậy, chúng ta mới tạo ra được một hệ sinh thái bảo vệ trẻ em một cách thực chất.

Bà Lê Thị Thu Hà khẳng định, theo pháp luật hiện hành, trẻ em là một thành viên của xã hội và cần được bảo vệ. Cha mẹ cần có ý thức về việc tạo dựng môi trường sống an toàn cho con trẻ trong chính gia đình, đồng thời tạo cơ hội để con có khả năng tương tác trong các môi trường sống khác như học đường, xã hội để đảm bảo cho trẻ có thể thích ứng và có giải pháp linh hoạt để tự bảo vệ chính mình. Môi trường sống trong gia đình phức tạp thì trẻ khó nhận diện nguy cơ ở các môi trường khác, bởi các nguy cơ đó đã quá quen thuộc cho nên nó không có tính báo động đối với trẻ. Bố mẹ cần được đào tạo kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ cho con phòng tránh các nguy cơ bị bạo lực, định hướng xử lý có tính tích cực và đem lại sự an toàn cho con.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng: “Chúng ta cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư là phải mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi, các nghi ngờ về xâm hại trẻ em. Đừng để xảy ra vụ việc khi nó quá phức tạp rồi, gây hậu quả nghiêm trọng rồi thì chúng ta mới giải quyết, mới can thiệp. Việc giải quyết can thiệp của các cơ quan chức năng, đặc biệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với các vụ việc xâm hại trẻ em là rất kịp thời, nhưng công tác phòng ngừa chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa. Chúng tôi chọn một trong những “chìa khóa” để tăng cường công tác phòng ngừa là vận động toàn xã hội quan tâm hơn nữa, chú ý hơn nữa để phát hiện kịp thời những nghi ngờ, những hành vi xâm hại trẻ em để thông báo, tố giác kịp thời đến cơ quan chức năng.”./.

“Các bậc cha mẹ, ngoài việc học cách chăm con về mặt dinh dưỡng, sức khỏe thì phải học làm cha mẹ. Không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay. Để học làm cha mẹ, các phụ huynh có thể chọn lọc những thông tin trên mạng (website của những cơ quan uy tín, các trang fanpage, kênh youtube mà mình cho là hữu ích); mua sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn; thông qua các khóa học; trải nghiệm cuộc sống hằng ngày tiếp xúc với con.

Các bậc cha mẹ phòng ngừa sớm để hiểu con hơn, chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình. Tôi rất mong các bậc làm cha, làm mẹ chăm sóc con, thương con, bảo vệ con thế nào thì hãy dùng chính những thứ đó với mọi trẻ em ngoài kia”.

Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em