Trần Lân

Đại uý Phạm Nam Sơn: Hạnh phúc của tuổi trẻ là được cống hiến

Tháng 3/2022, khi nhiều địa phương biên giới hồ hởi chào mừng ngày Truyền thống Bộ đội biên phòng và Ngày biên phòng toàn dân và cũng trong tháng 3, thời điểm có nhiều hoạt động của tuổi trẻ cả nước, tôi chợt nhớ tới Đại úy Phạm Nam Sơn – Đội phó đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Rạch Gốc.

Theo gót chân người cha…

Đồn Biên phòng Rạch Gốc, Bộ đội Biên phòng Cà Mau quản lí địa bàn thị trấn Rạch Gốc, xã Tân Ân và xã Viên An Đông (thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), đến đây cảm nhận đầu tiên đó là rất nhiều nắng và gió. Nắng chói chang và gió thổi miệt mài không giờ giấc. Cây cối được trồng ở hầu hết những chỗ có thể trồng trong khuôn viên Đồn nhưng nắng vẫn cứ len lỏi vào từng ô cửa, lối đi…

Nắng gió là vậy, nhưng Đại úy Phạm Nam Sơn vẫn giữ được nước da trắng hồng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết. Chạy xe máy chở tôi qua phà sang ấp Dinh Hạn (xã Tân Ân) để tìm hiểu về mô hình “Ấp không có tội phạm và tệ nạn xã hội” do Đồn Biên phòng Rạch Gốc triển khai - Phạm Nam Sơn cởi mở: “Quê em ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cha em cũng từng là cán bộ biên phòng của Biên phòng Cà Mau. Ông cũng đã trãi qua nhiều vị trí, địa bàn khác nhau, từ cán bộ huấn luyện chiến sỹ mới, cán bộ địa bàn và chỉ huy nhiều đơn vị trên dọc tuyến biên giới biển của tỉnh Cà Mau…nên tuổi thơ của em cũng nay đây mai đó, nhưng không lúc nào không gắn bó với biên phòng”.

anh-1-1650611404.jpg Đại úy Phạm Nam Sơn thường xuyên bám địa bàn, thăm hỏi, nắm bắt thông tin trong nhân dân.

Theo trí nhớ của Sơn, 3 tuổi cậu đã theo cha mẹ về thị trấn Rạch Gốc và ở ngay cạnh đồn biên phòng. Khi đó, Rạch Gốc không có đường xe chạy, bà con di chuyển chủ yếu bằng đường thủy. Từ lớp 1 đến lớp 3, Sơn theo học ở chính lớp học tình thương do cán bộ biên phòng đứng lớp.

Câu chuyện về “hành trình ngày thơ ấu của Sơn” khiến tôi không khỏi ngạc nhiên; khi mà từ lớp 4 đến lớp 12, Sơn có tới 7 lần chuyển trường, qua 4 huyện, thành phố ở Cà Mau. Lý do là vì cha em chuyển công tác, em đi theo cha; rồi nơi cha ở không có trường học nên Sơn phải sang địa bàn khác để trọ học. Nhờ thông minh và chịu khó học hỏi, nên dù thay đổi môi trường học tập thường xuyên, phải tự lập từ nhỏ nhưng năm nào, kết quả học tập của Sơn cũng rất tốt.

“Nhớ nhất là năm học lớp 6 ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, thường từ 3,4 h sáng em đã phải đốt lá dừa để lấy ánh sáng đi bộ tới trường vì đợi đến giờ có đò thì muộn học. Đi học về lại xách đi canh vuông tôm, giúp mẹ cắt mạ, giâm mạ… cho thợ cấy. Đang tuổi ăn tuổi ngủ nên lúc nào cũng thèm ngủ, nhưng xung quanh mình, đều là dân nghèo vất vả, người ta vẫn sống như vậy, nên miết rồi mình cũng quen”, Sơn hồi tưởng.

Nghe Sơn kể, tôi hình dung ra hình ảnh cậu bé nhỏ nhắn, tay ôm cặp, tay giơ cao chiếc đuốc bện bằng lá dừa, bàn chân bé con cố bước theo bạn bè để kịp giờ tới lớp khi trời vẫn còn chưa sáng tỏ. Cậu bé ấy giờ đang ngồi trước mặt tôi trong dáng vóc của chàng trai thật điềm đạm, mạnh mẽ…

Có lẽ, vì có người cha đã dành trọn thanh xuân cho cuộc đời binh nghiệp; có người mẹ sẵn sàng khăn gói theo chồng đi bất cứ nơi đâu; bản thân thì từ nhỏ đã thức - ngủ theo tiếng kẻng của bộ đội… nên trở thành người chiến sĩ biên phòng là ước mơ cháy bỏng của Sơn từ khi còn nhỏ. “Lớn lên, ước mơ đó cũng chưa một ngày mai một trong em, dù em đã chứng kiến đủ những khó khăn, vất vả của người chiến sĩ biên phòng nơi biên giới. Học cấp 3, khao khát và quyết tâm là trở thành chiến sĩ biên phòng trong em càng mạnh mẽ. Con đường mà em chọn cũng chính là con đường cha em đã đi” – Sơn chia sẻ.

Với rất nhiều nỗ lực, năm 2009, Phạm Nam Sơn thi đậu vào Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Đây không những là niềm hạnh phúc lớn lao mà còn là cơ hội để Phạm Nam Sơn theo đuổi những hoài bão, ước mơ mà anh hằng ấp ủ.

Dành trọn thanh xuân cho biên giới

Năm 2012, hoàn thành chuyên ngành quản lý, bảo vệ biên giới của Học viện Biên phòng, Phạm Nam Sơn lần lượt về công tác tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Đại đội 19 ở TP. Cà Mau, rồi phụ trách nhiệm vụ Đội trưởng vũ trang Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm. Năm 2017, Phạm Nam Sơn tiếp tục đi học hoàn thiện đại học, rồi từ đó đến nay, đảm nhiệm đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Rạch Gốc.

Phần “trích ngang” mà Phạm Nam Sơn liệt kê cho tôi xem chỉ gồm vài dòng ngắn gọn, nhưng với những người đã là chỉ huy, hay công tác cùng Phạm Nam Sơn thì mỗi cương vị công tác, Sơn đều nỗ lực rất nhiều…

anh-3-1650611404.jpg Đại úy Phạm Nam Sơn hỗ trợ người dân tại “Gian hàng không đồng” do đơn vị tổ chức trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đơn cử như trong 4 năm làm Đội trưởng Đội Vũ trang tại Đồn Biên phòng Hòn Chuối, khó khăn chẳng đếm xuể, xong với Sơn đó lại là quãng thời gian rèn luyện để trưởng thành hơn. Từ việc cùng anh em chung nuôi cá bớp với người dân; vét nước ở các hố để lắng rồi sử dụng, hay linh hoạt sử dụng máy tính máy in bằng năng lượng mặt thời… đến việc thiếu cán bộ, Sơn sẵn sàng tìm hiểu nghiên cứu để hỗ trợ đơn vị ở cả những lĩnh vực không phải chuyên môn của Sơn… “Vất vả thật nhưng em không thấy mệt, không thấy nản. Những khó khăn đó giống như phép thử để em được sống với nhiệt huyết, khát vọng tuổi trẻ, giúp em mạnh mẽ hơn, chịu khó, chịu khổ tốt hơn”, Sơn tâm sự.

Cũng bởi trải qua những năm tháng gian khó như vậy nên về công tác tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc – một trong những đơn vị được đầu tư xây dựng cơ bản, khang trang nhất nhì Biên phòng Cà Mau thực sự là môi trường tốt để chiến sĩ Phạm Nam Sơn hiện thực những ước mơ tuổi trẻ…

Được học hành bài bản, làm đúng công việc yêu thích, mọi công việc được giao đều được Sơn xem là cơ hội để bản thân trau dồi, học hỏi. Trên cương vị là đảng ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ 1, từ đoàn kết nội bộ, xây dựng tốt mối quan hệ gắn bó với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, đến giúp dân xóa đói giảm nghèo, làm lộ giao thông nông thôn, xây cầu và sửa chữa nhà cửa... trong vai trò nào, Sơn cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, linh hoạt trước những tình huống xảy ra; vừa làm, vừa tham mưu, đóng góp ý kiến cho Ban chỉ huy Đồn những vấn đề còn khúc mắc để xử lý một cách hiệu quả nhất.

Trong chuyến đi cùng Sơn đến với mô hình “Ấp điểm không có tội phạm và tệ nạn xã hội’’, hay ghé thăm Tổ tàu thuyền an toàn, đến với các hộ gia đình do đảng viên của Đồn Biên phòng Rạch Gốc được phụ trách… ở đâu, tôi cũng nhận thấy bà con dành cho bộ đội Biên phòng và cá nhân Sơn rất nhiều tình cảm tốt đẹp. “Vì bà con tin tưởng bộ đội biên phòng, nên anh em càng phải cố gắng. Vất vả nhiều đó nhưng vui lắm vì xóm ấp đã có nhiều thay đổi tích cực, ý thức của người dân được nâng lên, tình cảm của nhân dân với bộ đội biên phòng cũng khăng khít hơn” – Phạm Nam Sơn chia sẻ.

Điều khiến tôi khâm phục hơn, Đại úy Phạm Nam Sơn nhớ như in tên người, tên ấp khóm, rồi hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc giúp đỡ. Chi tiết nhỏ thôi nhưng đủ để thấy Sơn tâm huyết và có trách nhiệm với công việc như thế nào...

anh-2-1650611404.jpg Đại úy Phạm Nam Sơn và chỉ huy đơn vị thăm, nhắc nhở các thành viên đội tàu an toàn do đơn vị xây dựng.

Nói về Phạm Nam Sơn, Trung tá Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho người cán bộ này, ông chia sẻ: “Trải qua nhiều vị trí công tác, Đại úy Phạm Nam Sơn luôn cho thấy tinh thần trách nhiệm và luôn hoàn thành xuất sắc những công việc được giao”. Sự tin tưởng, ủng hộ của các chỉ huy cũng chính là động lực để Phạm Nam Sơn vững tin vào con đường mà anh đã chọn.

Những ngày này, khi dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, Đại úy Phạm Nam Sơn cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc lại vất vả hơn để tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao ý thức trong phòng chống dịch. Lại thêm những thứ 7, chủ nhật Phạm Nam Sơn vắng nhà… Trong căn nhà nhỏ, cha mẹ, vợ con và người thân của Phạm Nam Sơn vẫn luôn yêu thương và dành cho anh sự cảm thông lớn lao; bởi ai cũng thấu hiểu, con đường anh đi là con đường mà cha anh đã nếm trải – con đường nhiều vinh quang nhưng không ít những gian truân.

Ghi nhận thành tích của Sơn, năm 2020, 2021 Phạm Nam Sơn được Bộ chỉ huy tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi viết về Sơn những dòng này, tôi thấy mừng cho anh bởi người chiến sỹ này đã có tuổi thanh xuân tươi đẹp khi được sống trọn với ước mơ của tuổi trẻ và được cùng đồng đội góp phần nhỏ bé vào sự bình yên cho vùng đất Mũi Cà Màu - nơi cuối trời Tổ quốc thân thương.../.