“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” chưa bao giờ lạc hậu

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về truyền thống đạo đức dân tộc, thể hiện sự kế thừa có phê phán; phát triển và vận dụng sáng tạo những tinh hoa văn hoá nhân loại, vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
hcm09122021-1662166935.jpg  

Nổi bật trong tư tưởng đạo đức của Người mà mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải thấm nhuần, noi theo đó là tư tưởng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đây là phẩm chất cơ bản, cần thiết, gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi con người, nó là thước đo bản chất Người viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương, Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người”

Theo Hồ Chí Minh Cần, Kiệm, Liêm, Chính có mối quan hệ với nhau như một chỉnh thể tự nhiên, như trời có bốn mùa, đất có bốn hướng và cần cần, kiệm, liêm, chính luôn gắn với chí công vô tư.  Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, bản thân mỗi người phải luôn luôn nhắc nhỡ mình không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện bản thân.

Làm theo cần là chăm chỉ dẻo dai, bền bỉ cả năm, cả đời, làm việc có năng suất, có hiệu quả trong công việc được giao. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và nguồn lực để làm việc lâu dài; phải tích cực, sáng tạo trong công việc, đặc biệt là trong thời đại khoa học công, công nghệ đang phát triển như vũ bão, kinh tế tri thức đang ngày càng chiếm ưu thế, có cần thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được.

Là cán bộ, đảng viên cần phải tích cực, chủ động, sáng tạo với công việc, gần gũi với nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay cần là yếu tố không thể thiếu được đối với mọi người, đặc biệt là đối với người cán bộ quản lý. Đồng thời đi đôi với cần, phải kiên quyết đấu tranh chống lại tư tưởng lười biếng, thụ động, trong chờ, ỉ lại trong bản thân mình, trong cơ quan, đơn vị và trong xã hôi hiện nay.

Học tập và làm theo “Kiệm” là mọi người không xa xỉ, hoang phí, phô trương hình thức, biết tiết kiệm thời gian, tiền của, sức lao động của cá nhân, của cơ quan, của nhân dân; tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, tiết kiệm thời gian để học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, mỗi giây, mỗi phút đối với những người cán bộ, công chức càng quý báu hơn bội phần, phong cách làm việc phải khoa học, đúng giờ, tôn trọng mọi người: không gây sách nhiễu, lãng phí thời gian người khác, sống đúng với hoàn cảnh của mình và của cơ quan, tấm gương của Bác luôn nhắc nhở chúng ta về điều đó.

Tuy nhiên không hiểu chữ “kiệm” theo kiểu nghĩa “thắt lưng buộc bụng”, tại thời điểm ta đang sống, không học Bác đi dép cao su hay vóc gạo bỏ vào hũ tiết kiệm; phải biết phân biệt giữa tiết kiệm và bủn xỉn; biết chống lại các biểu hiện phô trương hình thức, sống đua đòi lãng phí.

Học tập và làm theo về “Liêm” là, mọi người phải luôn giữ cho mình được trong sạch, giữ gìn của công và của dân, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; “không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham danh tiếng”; không tham ô, lãng phí, vun vén cho lợi ích cá nhân. Người cán bộ cách mạng phải liêm khiết, trong sạch, nhất là những người có chức, có quyền mà thiếu đức liêm, thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham ô, hối lộ, tư lợi, bất minh, thiếu tuân thủ pháp luật.

Học tập và làm theo Bác về “Chính” là, bản thân phải thẳng thắn trung thực, không tự cao, tự đại, không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá lừa lọc; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn đoàn kết, luôn cầu tiến bộ; việc được phân công thì phải làm cho tốt, làm đến nơi, đến chốn; không sợ khó nhọc nguy hiểm; phải gần dân, thân dân, hiểu dân, tôn trọng dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh; phải làm tốt tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, thường xuyên chống lại mọi biểu hiện bất chính, mỗi ngày cố làm được một việc có lợi cho cơ quan, đơn vị, cho Tổ quốc, nhân dân.

Học tập và làm theo Bác về “Chí công vô tư” là, bản thân phải luôn mẫu mực, công bằng, công tâm, không có lòng riêng, thiên tư, thiên vị, đem lòng chí công vô tư với mọi người, với việc. Là người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới, phải hiểu được rằng quyền lợi và nghĩa vụ của con người bao giờ cũng gắn liền với xã hội, không tách rời, đối lập với lợi ích của nhân dân, làm bất cứ việc gì cũng vì tập thể, vì mọi người, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, không vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật, là người cán bộ nếu thiếu đi “chí công vô tư” thi dễ ra vào chủ nghĩa cá nhân, cụ bộ, bè phái, gian xảo, quan liêu, mạnh lạnh, tham danh, trục lợi; thích địa vị, quyền hành; tư cao, tự đại, coi thường tập thể; chuyên quyền, độc đoán…

“Cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư” là một giá trị đạo đức của người cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Thực tế hiện nay không phải ai cũng ý thức được hết tầm quan trọng của “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, vẫn có người cho rằng: những đức tính ấy hiện nay không còn phù hợp nữa, vì thế nên không ít cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị chưa có ý thức làm theo “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.  Bên cạnh những con người suốt đời vì dân, vì nước, không sợ hi sinh gian khổ, tận tuỵ với công việc nhằm phấn đấu thực hiện vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì vẫn còn đó quanh ta còn có những cơ quan, đơn vị, có những cán bộ, đảng viên, những học sinh, sinh viên…, vẫn chưa có ý thức cần, kiệm, liêm, chính, để chung sức, chung lòng đóng góp sức lực trí tuệ xây dựng cơ quan, đơn vị, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước.

Biểu hiện nguy hiểm là xa rời, lãnh cảm với quần chúng nhân dân; tạo nên sự dối trá, thiếu trung thực trong quan hệ gia đình, cá nhân, xã hội, sa sút về đạo đức nghề nghiệp, là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ trong tâm trí người dân, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.

Đạo đức là là một hình thái ý thức xã hội, được hình thành từ chính cuộc sống hàng ngày của con người, để đáp ứng yêu cầu khách quan của sinh hoạt công đồng; mặt khác đạo đức còn là kết quả của quá trình giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện của cá nhân theo các giá trị chuẩn mực đạo đức của xã hội. Vì thế mà tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh” trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu cần thiết, nhằm không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, hoàn thiện nhân cách mỗi người./