Trần Lân

Bình Thuận: Thua lỗ nặng người dân chặt bỏ hàng nghìn hecta thanh long

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến người nông dân Bình Thuận lựa chọn cách chặt bỏ loại cây từng làm giàu cho mình để kiếm kế sinh nhai khác.

Sau những khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều tháng qua, giá thanh long trong nước có thời điểm xuống đáy thấp nhất của nhiều năm. Mức giá xuống thấp chỉ vài nghìn đồng/kg thanh long, như một hệ quả tất yếu, bà con nông dân phải cắt lỗ, họ buộc phải chặt bỏ hàng nghìn ha thanh long vì thiếu vốn và không muốn tiếp tục thua lỗ. Câu chuyện tại tỉnh Bình Thuận, nơi hiện có tới 33.000 ha trồng thanh long, là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước.

15-chan-15-1624454562346678707804-1649122239.jpg Khó khăn chồng chất khiến người nông dân lựa chọn chặt bỏ loại cây từng làm giàu cho mình.

Ông Nguyễn Văn Điều - Xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: "Tình hình thanh long gaiá cả ngày càng tụt xuống, nhà vườn gắn kết bao nhiêu năm nay, mười mấy năm rồi mà giá thì mình càng đầu tư càng lỗ mà mình đầu tư mà lỗ thì rất là đau xót, bắt buộc cây đang paht1 triển mà mình chặt đi nhưng bà bắt buộc phải chặt vì càng đầu tư càng lỗ".

Những chiếc máy cày trước đây chỉ để làm đất trồng cây, nhưng nay lại có thêm một nhiệm vụ mà ít ai mong muốn, là dùng để nhổ những cọc trồng thanh long. 300 trụ thanh long đã từng là thu nhập chính của gia đình ông Điều nhưng nay tự tay ông phải chặt bỏ và thuê người nhổ trụ để chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Chua xót lắm nhưng ông không còn cách nào khác vì liên tiếp mấy năm nay giá thanh long bấp bênh làm vụ nào ông cũng lỗ nặng, không còn khả năng đầu tư tiếp.

Cũng như ông Điều, nhiều gia đình ở Hàm Phú, Hàm Chính Hàm Thuận Bắc cũng thuê xe nhổ bỏ thanh long. Những vụ mùa đỏ mắt vì thanh long chỉ còn 500 đồng 1 kg hay khi không có thương lái thu mua đã khiến nhiều gia đình hết kiên nhẫn để duy trì loại cây này. Điều đáng nói, thời gian này, việc chặt bỏ thanh long không phải hiếm tại Bình Thuận. Nguyên nhân chính là người dân thua lỗ do giá bán thanh long quá thấp, không bù được chi phí sản xuất.

Bình Thuận có sản lượng trên 700.000 tấn thanh long mỗi năm, 85% con số này xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Gần đây, do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID-19 nên việc xuất khẩu sang đây bị bị đứt gãy và đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã phải phát đi khuyến nghị bà con nông dân cân nhắc kỹ việc chặt thanh long lúc này.

"Cây thanh long đang cho trái, điều kiện tốt nên chúng ta cũng không nóng vội, thận trọng khi phá bỏ cây thanh long. Chúng ta nên tiếp tục chăm sóc, duy trì, có nhiều giải pháp để giữ vườn, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường trong thời gian tới", ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, cho hay.

Dọc các tuyến đường ở các địa phương không khó để thấy cảnh xe múc được thuê để nhổ trụ. Nhiều vườn đã được san ủi phẳng để chuyển đổi trồng lúa hoặc các loại cây trồng khác.

Thông tin ban đầu trong 3 tháng đầu năm 2022, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ 936 ha thanh long, nâng diện tích thanh long chặt bỏ từ năm 2021 đến nay là 2.000 ha, khoảng 6% tổng diện tích thanh long của toàn tỉnh. Diện tích chặt bỏ chủ yếu là diện tích thanh long già cỗi, năng suất thấp hoặc ở những vùng địa hình không quá lợi thế với cây thanh long.

Vốn là loại cây làm giàu và mang lại danh tiếng thủ phủ thanh long cho người dân Bình Thuận nhưng nay không khó thể nhìn thấy những vườn thanh long trơ trụi, bỏ không và bị người dân chặt bỏ như thế này. 

Dù chặt bỏ thanh long nhiều gia đình cũng chưa định hướng được trồng cây gì, nuôi con gì nhưng có lẽ đây là lựa chọn duy nhất của nhiều nông dân trong thời điểm này khi mà thu không đủ chi và nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì loại trái cây này./.