Bảo vệ sức khỏe khi không khí bị ô nhiễm

Ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Có tới một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với không khí sạch.
hinh8-1646185748.jpg Minh họa

Cứ 10 người thì 9 người phải hít không khí bị ô nhiễm. Theo đó, hằng năm số lượng người bị chết bởi loại ô nhiễm lên đến 7 triệu người. Một số quan điểm cho rằng buổi sáng hay những giờ cao điểm là thời điểm ô nhiễm nhất. Nhưng buổi tối mới chính là thời điểm không khí có mức độ ô nhiễm nguy hiểm hơn rất nhiều.

Buổi sáng là thời điểm nắng nóng, khói bụi từ đường xá, xe cộ, các công trình xây dựng thải ra rất nhiều. Khiến chúng ta luôn cảm thấy bụi bặm, ô nhiễm,… Thế nhưng, đây lại chưa phải lúc không khí ô nhiễm nhất trong ngày. Sở dĩ buổi tối ô nhiễm hơn buổi sáng là do buổi sáng trái đất được ánh sáng mặt trời chiếu vào, khiến nhiệt độ nóng hơn. Do đó những đối lưu không khí cũng được làm nóng. Từ đó không khí được mở rộng và lấy đi những thành phần ô nhiễm có trong không khí.

Ngược lại, nhiệt độ buổi tối xuống thấp hơn. Những luồng không khí lạnh đẩy các chất gây ô nhiễm xuống thấp. Khiến chúng tích tụ nhiều hơn ở gần mặt đất - nơi chúng ta sinh hoạt, hít thở. Thêm vào đó, buổi tối là thời điểm hoạt động của các xe tải vận chuyển. Đồng thời, một số nhà máy cũng hoạt động vào bạn đêm nên lượng không khí ô nhiễm vào buổi tối sẽ cao hơn.

Theo một số nghiên cứu thì thời điểm bụi PM2.5 (loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) nhiều nhất là vào khoảng từ 20h trở đi. Chính vì thế, dù vào thời điểm vào trong ngày mọi người cũng phải bảo vệ sức khỏe bản thân. Ô nhiễm không khí thường có hai dạng, bao gồm ô nhiễm ở trong nhà và ngoài trời. Trong đó, ô nhiễm trong nhà có nguyên nhân từ các yếu tố như khói thuốc lá, khói than, củi, các hóa chất có trong sơn hoặc các sản phẩm làm sạch, khí máy lạnh và một số chất có trong vật liệu xây dựng,…

Bên cạnh đó, nhiễm không khí ngoài trời là tác nhân chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ nhiều nguồn khác nhau. Như khí thải giao thông, nhà máy công nghiệp, từ quá trình sản xuất nông nghiệp. Và một số nguyên nhân tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, núi lửa,…

Vậy, người dân nên làm gì để bảo vệ sức khỏe khỏi các chất gây ô nhiễm?

Đối với cá nhân

Giảm triệt để các nguồn phát thải bụi không khí từ việc sử dụng bếp than, bếp củi. Hay các thiết bị sản sinh ra khói bụi. Luôn luôn bật máy hút mùi khi nấu ăn vì nấu ăn là một trong những nguồn chính sản sinh ra những chất gây ô nhiễm trong nhà. Khi ra ngoài nên tránh xa khỏi những đường phố đông đúc. Kèm theo đó, phải luôn luôn mang khẩu trang lọc bụi chuyên dụng khi ra đường. Bên cạnh việc sử dụng khẩu trang, nên đeo kính áp sát mặt và trán để tránh bụi làm ảnh hưởng đến mắt.

Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông và nhiên liệu thân thiện với môi trường. Khuyến khích các mạng lưới dành cho xe đạp và người đi bộ. Vệ sinh nhà cửa thông thoáng: Mở cửa sổ ở những hướng cách xa đường giao thông và những nguồn ô nhiễm khác, đặc biệt là ban đêm. Nếu có thể nên dùng máy lọc không khí để có thể giảm lượng bụi và các chất gây dị ứng.

Chế độ ăn uống: Đây là yếu tố quan trọng cơ bản nhất để cơ thể tạo sức đề kháng tốt cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp đầy đủ các loại vitamin, yếu tố vi lượng. Năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, gió, sinh học) nên được dùng cho các phương tiện giao thông. Hoặc trong các hoạt động của gia đình như nấu ăn, sưởi ấm và chiếu sáng.

Đối với xã hội

Phủ xanh môi trường sống: Nâng cao ý thức bảo vệ rừng và cây xanh trong cộng đồng.

Với ngành công nghiệp: Các công nghệ sạch sẽ giúp giảm phát thải công nghiệp. Cải thiện việc quản lý rác thải đô thị và nông nghiệp.

Cần có các chiến lược giảm rác thải, phân loại rác, tái chế, tái sử dụng. Nên có các biện pháp quản lý rác sinh học để sản xuất khí sinh học. Dùng các phương án đốt rác rắn có chi phí thấp hoặc hạn chế phát thải.

Ô nhiễm môi trường không khí hiện là vấn đề báo động đối với toàn cầu. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, mọi khía cạnh của đời sống sinh hoạt và cả hệ sinh thái trên toàn địa cầu. Chính vì thế mỗi con người đều phải có ý thức và hành động bảo vệ môi trường./.