Trần Lân

Bài học quản lý xã hội từ tổ tiên

Từ xa xưa, các triều đại phong kiến đã đặt ra các sắc luật và đặc biệt chú trọng đến những sắc luật để hạn chế nạn tham nhũng quyền lực, gây bất ổn cho xã hội. Pháp luật tôn nghiêm, xã hội sẽ ổn định.
shutterstock-1534067780-1-1646281025.jpg Minh họa

Tinh thần thượng tôn pháp luật đã được tiền nhân nói đến rất nhiều trong sử sách. Từ thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông đã đặt ra quy định “Hồi tỵ” trong Bộ Luật Hồng Đức. “Hồi” là trở về; “tỵ” là tránh ra, “hồi tỵ” có nghĩa là tránh đi hoặc né tránh. Luật nghiêm cấm việc những thân nhân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê... không được làm quan cùng một chỗ.

 Nếu gặp những trường hợp này thì phải báo ngay triều đình và các cơ quan hữu trách để chuyển đi nhiệm sở khác. Đây là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, tránh tình trạng tham nhũng quyền lực trong xã hội nông nghiệp, là xã hội chằng chịt các mối quan hệ huyết thống, địa phương, thầy trò…

Luật Hồng Đức còn quy định: “Cha con, thầy trò, anh em, vợ chồng, thông gia... không được làm, không được tổ chức thi cùng một nơi”.

Vua Lê Thánh Tông áp dụng quy định “hồi tỵ” ngay từ việc cắt đặt xã quan: “Từ nay các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú, con bác, bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tội bè phái hùa nhau”. Sau đó vài năm vua ra quy định bổ sung: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì Bộ lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”.

 Đến thế kỷ XVIII, luật này được vua Minh Mạng mở rộng với những quy định cụ thể hơn:

- Cấm quan lại thụ nhiệm ở tỉnh nhà, hay ở nơi cách tỉnh nhà dưới 500 dặm. Quy định này có mục đích ngăn ngừa việc bà con hay thân hữu của quan cậy thần thế để ức hiếp và nhũng lạm người khác.

- Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện, hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng luật “hồi tỵ”.

- Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.

- Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện, ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

- Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

- Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.

- Khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

- Quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.

- Nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình. Cấm quan lại tậu đất đai nhà cửa trong địa hạt nhiệm sở để ngăn ngừa tình trạng họ hiếp bách dân để mua rẻ; Cấm quan lại lấy vợ nơi trị hạt để ngăn ngừa tình trạng gia đình bên vợ cậy thế lực để nhũng nhiễu dân lành.

- Quan lại hồi hưu không được lui tới chốn nha môn để cầu cạnh.

 Cha ông chúng ta ngày xưa cũng hoàn toàn không có chuyện “thành khẩn kiểm điểm” hay “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Vua Minh Mạng đã lập ra Đô sát viện để giám sát việc hành chính của các quan, đồng thời ông cũng áp dụng nhiều quy định rất thiết thực để bài trừ tham nhũng. Năm 1822, một viên quan coi kho tên Đặng Văn Khuê được lệnh triều đình xuất 25.000 hộc thóc để bán cho dân cứu đói ở Quảng Đức, Quảng Trị. Thế nhưng trong lúc đong thóc, viên quan này đã cố tình đong non để ăn bớt. Phát hiện việc này, vua Minh Mạng đã ra lệnh chém ngay làm gương, không lôi thôi “rút kinh nghiệm” hay “thành khẩn kiểm điểm” gì cả.

Bốn năm sau, viên quan coi kho ở kinh đô là Trần Công Trung bị chém vì đã cố tình gây khó dễ với những người đến lĩnh tiền ở công khố với mục đích vòi tiền. Vua Minh Mạng tuyên bố: “Tuy tang vật không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu như để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được".

Đất nước yên bình, xã hội phát triển nhờ giữ được kỷ cương phép nước mà điều quan trọng nhất là người nắm giữ quyền lực phải làm gương và công minh. Trong lịch sử cầm quyền của các triều đại phong kiến nước ta có nhiều người đã làm được điều đó, ví như Trần Thủ Độ với những câu chuyện kể về tinh thần thượng tôn pháp luật của ông đã được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Thứ nhất là chuyện kể việc Trần Thủ Độ thưởng cho kẻ chỉ trích mình. Sử chép rằng, có người vào gặp Trần Thái Tông Trần Cảnh khóc: "Bệ Hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao"? Trần Thái Tông lập tức bắt người này đưa tới Trần Thủ Độ kể lại toàn bộ câu chuyện nhưng Trần Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời y nói" rồi lấy lụa ban thưởng cho người hặc tội.

Thứ hai là chuyện kể việc Trần Thủ Độ không để người thân tác động vào việc triều chính. Phu nhân của ông là Linh từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân sĩ ngăn lại. Tức giận, bà về dinh khóc lóc kích chồng: "Ta làm vợ ông mà bị bọn quân lính khinh nhờn đến thế!".

Trần Thủ Độ sai người đi bắt, vặn hỏi trước mặt, người lính cứ sự thực trả lời. Nghe xong, Trần Thủ Độ phán: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa", rồi lấy vàng lụa thưởng cho. Điều đó cho thấy ông không thiên vị người thân và rất tôn trọng phép nước, tôn trọng người giữ đúng phép nước, dù đó là kẻ dưới quyền.

 Một lần khác, phu nhân Trần Thủ Độ xin cho người cháu họ làm câu đương (xã trưởng). Trần Thủ Độ nhận lời và ghi họ tên quê quán của người đó. Khi đến xã ấy, hỏi tên, người cháu vợ mừng rỡ tưởng là cơ hội đã đến nhưng Trần Thủ Độ tuyên bố: “Ngươi vì có quốc mẫu xin cho được làm câu đương nên không thể sánh ngang với những câu đương khác được, ta phải chặt một ngón chân để phân biệt". Người cháu này hoảng sợ van xin không làm câu đương nữa để không bị chặt ngón chân. Cách xử lí của Thái sư  Trần Thủ Độ cho thấy ông luôn có ý thức giữ gìn sự công bằng, không chấp nhận thói chạy chọt, đút lót, dựa dẫm, nhờ vả để tiến thân.

Khi vua muốn cho An Quốc, anh trai của Trần Thủ Độ làm tướng, Trần Thủ Độ đã không mừng rỡ tạ ơn vua mà thẳng thắn tâu bày: "An Quốc là anh thần, nếu bệ hạ cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu hai anh em đều làm tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?".

Vì có tầm nhìn xa trông rộng nên ông đã lường trước được những phiền toái sẽ xảy ra khi cả hai anh em đều nắm giữ trọng trách trong triều. Câu trả lời cho thấy tinh thần chí công vô tư, vượt khỏi quan niệm phổ biến trong xã hội “Một người làm quan, cả họ được nhờ” của Thái sư Trần Thủ Độ.

Những tình huống đầy kịch tính nêu trên đã góp phần làm nổi bật bản lĩnh cứng cỏi và nhân cách cao quý của Trần Thủ Độ: thẳng thắn, cầu thị, độ lượng, nghiêm minh và đặc biệt là chí công vô tư, luôn đặt việc nước lên trên hết, không mảy may tư lợi cho bản thân và gia đình. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Trần Thủ Độ đang giữ chức quan cao nhất trong triều và gánh nặng trách nhiệm hầu như đè lên vai ông, vì vua còn nhỏ tuổi. Có thể nói Trần Thủ Độ là một vị quan đầu triều gương mẫu, xứng đáng là chỗ dựa của quốc gia và đáp ứng được lòng tin cậy của nhân dân.

Đặt ra các sắc luật để giữ cho xã hội ổn định và phát triển là yêu nước. Thượng tôn pháp luật là vì dân vì nước. Tên tuổi, tài năng và tinh thần thượng tôn pháp luật của thái sư Trần Thủ Độ, vua Lê Thánh Tông, vua Minh Mạng, được lưu danh muôn thuở và là tấm gương sáng để lại nhiều bài học bổ ích, thiết thực cho hậu thế./.