Bạc Liêu: Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ở các hợp tác xã

Bạc Liêu hiện có 96 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bạc Liêu, tất cả các hợp tác xã này đều đang ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Tùy theo điều kiện của từng hợp tác xã, mức độ ứng dụng cơ giới hóa ở những mức độ khác nhau.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm, ấp Trung Hưng III, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi là hợp tác xã có tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa cao trong hầu hết các khâu của quá trình canh tác lúa. Với 210 ha trồng lúa, mỗi khi bước vào mùa vụ sản xuất, tất cả các khâu đều được ứng dụng cơ giới hóa, từ cải tạo đất, gieo sạ, bơm nước tưới tiêu, bón phân, phun xịt thuốc, thu hoạch lúa, cuộn rơm… Xã viên không phải lo lắng, tất bật vì mọi công việc đồng áng đều được dùng máy, tiết kiệm tối đa sức người.

Còn hợp tác xã Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình mới đây được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đối ứng máy bay nông nghiệp không người lái. Máy bay trị giá 620 triệu đồng; trong đó, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 40% (tương đương 280 triệu đồng), phần còn lại 60% do các thành viên hợp tác xã góp vốn đối ứng. Đây là máy bay nông nghiệp thực hiện chức năng “3 trong 1” gồm: phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ và bón phân cho lúa. Việc đưa máy bay nông nghiệp vào phục vụ sản xuất góp phần giảm chi phí cho các thành viên trong hợp tác xã. Đồng thời, có thể làm dịch vụ nông nghiệp nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho các xã viên.

Theo ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, việc canh tác theo kiểu truyền thống hiện nay ở địa phương hầu như rất ít. Tỷ lệ cơ giới hoá khâu làm đất và thu hoạch đạt gần 100% diện tích, chỉ trừ một số diện tích lúa nhỏ lẻ, ở nơi không đưa máy vào vận hành được. Việc đẩy mạnh cơ giới hoá đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công sang sản xuất tập trung, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giải phóng sức lao động cho nông dân.

Ông Ân cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ nguồn vốn chương trình khuyến nông và các nguồn vốn lồng ghép khác. Mục tiêu là mở rộng, đưa các loại máy móc hiện đại vào canh tác lúa như máy sạ khóm, máy cấy, máy cuốn rơm, máy bay không người lái...

htx385a952e-1647158602.jpeg Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất ở các hợp tác xã. Ảnh minh hoạ

Về chủng loại, hiện nay, số lượng máy móc nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu khá đa dạng với hơn 300 máy gặt đập liên hợp, trên 1.700 máy cày, gần 120 lò sấy, 2 máy sạ khóm, 3 máy cấy, 3 máy cuốn rơm, đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.

Cụ thể, trong vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu tiếp tục hỗ trợ 4 máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hợp tác xã ở 2 huyện Hòa Bình và Phước Long. Máy bay không người lái có ưu điểm giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, phun thuốc đều hơn, tiết kiệm thuốc, lúa không bị giẫm đạp trong quá trình phun, giúp bảo vệ sức khỏe người lao động... Ngoài phun thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị bay còn còn có thể ứng dụng vào việc gieo xạ, rải phân cho nhiều diện tích sản xuất lúa chỉ trong thời gian ngắn.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đang đẩy mạnh thực hiện tích tụ đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Cùng với cơ giới hóa trong các khâu làm đất và thu hoạch, tỉnh Bạc Liêu còn chú trọng đến ứng dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất và chế biến nông sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, nạo vét các tuyến kênh thủy nông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất.

Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu cũng mời gọi, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Bạc Liêu là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và nông nghiệp cũng được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội.  Những năm qua, trụ cột kinh tế xã hội này đều giữ tốc độ tăng trưởng ổn định trung bình 4-5%/năm.

Mặc dù, việc ứng dụng cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất cũng còn có những khó khăn nhất định, nhưng với việc xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, tỉnh Bạc Liêu đang quyết tâm nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa theo hướng hiện đại, bền vững gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.