Long An: Trồng rau thủy canh, hướng đi mới cho người nông dân

Rau thủy canh hiện đã được một số hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đầu tư. Tuy nhiên, việc cung cấp rau ra thị trường truyền thống vẫn chưa nhiều.
long-an-trong-rau-thuy-canh1-1650196058.jpg Anh Phúc đã mạnh dạn dầu tư hơn 300 m2 nhà lưới trồng vườn rau thủy canh đầu tiên ở xã Long Thuận.

Tận dụng lợi thế về điều kiện diện tích và nguồn nước ổn định cũng như kỹ thuật canh tác, anh Đinh Văn Phúc, ngụ ấp 3, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới và lọc nước cũng nhu nguồn giống bảo đảm để đầu tư hơn 300 m2 trồng rau thủy canh bước đầu có đầu ra ổn định.

Anh Phúc chia sẻ, trải qua nhiều nghề nhưng từ sau mùa dịch, anh Phúc nhận thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân và nhất là thị trường truyền thống vẫn còn mới mẻ cùng sự khuyến khích của con gái (kỹ sư nông nghiệp) và con dâu từng đi du học bên Hàn Quốc, đặc biệt được sự hỗ trợ và khuyến khích của Hội Nông dân (HND) huyện Thủ Thừa và xã vợ chồng anh quyết tâm đầu tư trồng rau thủy canh.

Đầu tiên là nguồn nước sạch và ổn định, anh Phúc đã đầu tư hai hệ thống lọc từ nguồn nước sinh hoạt để trồng rau, đồng thời với sự hỗ trợ của người con trai là kỹ sư cơ khí anh đầu tư hệ thống tưới tự động, hẹn giờ nên tốn rất ít công chăm sóc. Đồng thời, anh đầu tư hai dãy nhà lưới một dãy chuyên ương giống và một dãy trồng rau thương phẩm.

long-an-trong-rau-thuy-canh2-1650196092.jpg Anh Đinh Văn Phúc xây dựng mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên ở huyện Thủ Thừa

Chị Nguyễn Thị Dung, vợ anh Phúc cho biết: “Với sự giúp đỡ từ người con dâu, chúng tôi đã mua được nguồn giống rau từ Hàn Quốc và trồng đa dạng các loại rau để cung cấp ra thị trường và chợ truyền thống”.

Được biết, sản phẩm rau của vợ chồng anh Phúc đã có mặt tại Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa. Ngoài ra, rau tiêu thụ tại chợ truyền thống như: Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, khách hàng của vợ chồng anh Phúc là bà con lối xóm và cả người quen ở TPHCM, bạn hàng trên Zalo, Facebook… Đặc biệt, Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa có trên 10.000 công nhân là thị trường hấp dẫn cho nguồn rau thủy canh.

“Hiện nay rau trồng đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhưng chúng tôi vẫn lo nếu mở rộng diện tích thì đầu ra vần là bài toán khó. Tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật trồng rau cho bà con học tập mô hình và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm”, anh Phúc chia sẻ thêm.

long-an-trong-rau-thuy-canh3-1650196120.jpg Hệ thống tưới tự động phun xương giúp anh Phúc tiết kiệm thời gian chăm sóc rau.

Ông Nguyễn Hữu Trực, Chủ tịch HND xã Long Thuận cho biết: “Anh Phúc là một trong những hội viên luôn đi đầu, và mạnh dạn “dám nghĩ dám làm”. Mô hình rau thủy canh đang được HND xã, huyện quan tâm hỗ trợ. Sắp tới đây, HND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện cho bà con đi tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Cần Đước và mở lớp kỹ thuật trồng rau thủy canh cho hơn 30 hội viên và nông dân đăng ký”.

Ngoài việc mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh (anh Phúc là người đầu tiên xã Long Thuận trồng rau thủy canh) anh Phúc còn là Mạnh Thường Quân điển hình trong hỗ trợ UBND xã về công tác xã hội. Đặc biệt anh vận động bà con hiến đất mở rộng đường và xây cầu giao thông nông thôn, tham gia nhiệt tình phong trào đền ơn đáp nghĩa và hỗ trợ người nghèo. Anh nhiều lần được UBND xã tặng Giấy khen. Ngoài ra anh có gần 20 năm liên tục là nông dân sản xuất giỏi (NDSXG), trong đó có 5 năm liền là NDSXG cấp tỉnh.

long-an-trong-rau-thuy-canh4-1650196148.jpg Chủ tịch HND xã Long Thuận Nguyễn Hữu Trực (bìa trái) tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại nhà hội viên Đinh Văn Phúc.

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Thủ Thừa HND huyện đã hướng dẫn HND các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết để tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

HND huyện Thủ Thừa khuyến khích các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ hội viên và nông dân về khoa học kỹ thuật, nguồn giống phân bón, khuyến khích các mô hình sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học trong sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.