Trần Lân

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/4): TCB, STK và VCB

Sử dụng 2 phương phá định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận vượt trội, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu TCB là 65.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 38,6% so với giá đóng cửa phiên 14/4.

Sử dụng 2 phương phá định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận vượt trội, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu TCB là 65.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 38,6% so với giá đóng cửa phiên 14/4.

9bfa49b6-ba3b-4416-82dc-265b7a12e418-4051-1649995713.jpeg Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (15/4): TCB, STK và VCB

KBSV: Khuyến nghị mua TCB, giá mục tiêu 65.600 đồng/cổ phiếu

Kết thúc quý IV/2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) ghi nhận thu nhập lãi thuần 7.245 tỷ đồng (tăng 7,5% so với quý trước và tăng 32,8% cùng kỳ), thu nhập ngoài lãi 2.910 tỷ đồng (tăng 42,8% quý trước và tăng 26,2% cùng kỳ). Trong quý, chi phí dự phòng tăng mạnh 71,2% cùng kỳ lên 627 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gần 21%, lên trên 6.140 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, tổng thu nhập hoạt động năm 2021 của Techcombank tăng 35,4% so với năm 2020, đạt 37.100 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 42% cùng kỳ; biên lãi thuần (NIM) đạt gần 5,6%, trong khi năm 2020 là 4,9%.

Mức lợi nhuận năm 2021 của Techcombank đạt trên 22.685 tỷ đồng, tăng 43% so với mức thực hiện năm 2020. Tỷ lệ CASA đạt 50,5% với số dư 158.900 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng thỏa thuận phí bảo hiểm mới giữa Techcombank và Manulife sẽ là động lực tăng trưởng thời gian tới. Theo đó, thỏa thuận hợp tác giữa Techcombank và Manulife được ký vào năm 2017, có thời hạn 15 năm với khoản phí upfront 1.466 tỷ đồng.

Các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm trong 2 năm gần đây thường có phí upfront rất lớn như giữa VietinBank và Manulife là 8.050 tỷ đồng hay Vietcombank và FWD là 9.200 tỷ đồng. Đồng thời đầu năm nay, VPBank gia hạn thỏa thuận cùng AIA lên 19 năm, phí upfront mới ước tính là 6.000 tỷ đồng.

KBSV hy vọng trong thời gian tới, Techcombank và Manulife có thể thỏa thuận lại mức phí upfront cao hơn, nhờ tiềm năng khai thác từ tập khách hàng có thu nhập cao của Techcombank là rất lớn và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam hiện nay còn thấp khi so sánh với các thị trường mới nổi và các thị trường phát triển.

Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA của Techcombank dự báo cải thiện hơn nữa trong năm 2022, với động lực từ dự án đám mây sử dụng Amazon Web Services và việc ra mắt ứng dụng mobile banking mới nhằm cung cấp cho người dùng sự trải nghiệm tốt hơn.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ đạt 446.554 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế hợp nhất kỳ vọng tăng trưởng 16,2% cùng kỳ, đạt 27.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu mục tiêu duy trì ở mức 1,5%. Cùng với đó, kế hoạch IPO TCBS đang được lên kế hoạch và dự kiến triển khai trong 1 - 2 năm tới.

Sử dụng 2 phương phá định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận vượt trội, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu TCB là 65.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 38,6% so với giá đóng cửa phiên 14/4, từ đó đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.

PHS: Khuyến nghị mua cổ phiếu STK, triển vọng tăng giá 35%

Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 2.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, lần lượt cao hơn 28% và 8% so với thực hiện năm ngoái.

Tại cuộc họp, STK cập nhật về dự án nhà máy sợi tổng hợp Unitex với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của nhà máy sẽ được khởi công vào tháng 3/2022 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào quý III/2023, qua đó gia tăng công suất hiện tại thêm 60% lên 60.000 tấn/năm với sản phẩm chính là sợi tái chế và sợi giá trị gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sợi thô cho sản phẩm của Nike.

Ban lãnh đạo cũng cho biết năm 2022, giá nguyên vật liệu gia tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, tuy nhiên do chi phí xây dựng sẽ vẫn được kiểm soát do hơn 70% chi phí là máy móc thiết bị đã được chốt giá từ năm ngoái. Chi phí đầu tư cho 2 giai đoạn là 120 triệu USD (75 triệu USD cho giai đoạn 1 và 45 triệu USD cho gia đoạn 2).

Doanh nghiệp cũng cho biết, hợp đồng với Unifi sẽ kéo dài thêm ít nhất 2 năm nữa. Unifi có mạng lưới cung cấp nguyên vật liệu tại ASEAN, giúp STK có thể nhập nguyên vật liệu tái chế từ các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… mà không bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại hội cổ đông của STK còn thông qua việc phát hành riêng lẻ 13,5 triệu cổ phiếu (tương đương 19,08% số cổ phiều đang lưu hành) cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong và ngoài nước, qua đó đưa vốn điều lệ lên 842,3 tỷ đồng. STK cho biết giá bán sẽ chênh lệch trong khoảng 7-10% giá thị trường.

Sơ bộ về tình hình kinh doanh quý I/2022, STK cho biết doanh thu đạt trên 610 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng trưởng 9%; biên lợi nhuận gộp giảm 180 điểm cơ bản, về còn 18%.

Nhờ tiên phong trong ngành sợi và sự hạ nhiệt cạnh tranh tại thị trường trong nước do Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nâng dự phóng doanh thu của STK lên 2.539 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2021), lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng (tăng trưởng 7,6%).

Hơn nữa, PHS kỳ vọng dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex và dự án liên minh Sợi - Vải - May sẽ tạo bệ phóng tăng trưởng cho doanh nghiệp trong tương lai. Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu STK là 81.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng triển vọng tăng 35% so với giá hiện tại. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

ACBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCB

Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2022, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) có tờ trình đại hội về kế hoạch kinh doanh khởi sắc, đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tối thiểu ở mức 12% so với thực hiện năm 2021, tương đương khoảng 30.660 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tài sản là 8%; tín dụng tăng 15% và huy động vốn trên thị trường 1 sẽ tăng phù hợp với tín dụng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mốc 1,5%. Mức chi trả cổ tức năm 2022 được bỏ ngỏ.

Đáng chú ý, Vietcombank có tờ trình cổ đông về phương án tăng vốn trong năm 2022, thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho năm 2019 và 2020. Cụ thể, ngân hàng dự định phát hành hơn 856,5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 18,1%, tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới.

Như vậy, khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 47.325 tỷ đồng lên 55.890 đồng. Dòng vốn trên 8.565 tỷ đồng bổ sung này sẽ được Vietcombank đầu tư cở sở vật chất, hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định, đồng thời mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng, năm 2022, Vietcombank sẽ duy trì được NIM ở mức tương đương năm 2021, nhờ lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh từ 0% lên 2-3%, tạo cơ hội cho các ngân hàng cho vay ròng trên thị trường liên ngân hàng như Vietcombank (tại thời điểm cuối năm 2021 là 116.000 tỷ đồng).

Đồng thời, quy mô các gói hỗ trợ lãi vay trong năm 2022 sẽ không còn lớn như trong nửa cuối năm 2021 do nền kinh tế đang hồi phục sau đợt dịch thứ 4 và thanh khoản hệ thống trong năm không còn dồi dào sẽ gây áp lực tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, CASA tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng giao dịch qua kênh ngân hàng số sẽ giúp Vietcombank kiểm soát chi phí vốn đầu vào. ACBS kỳ vọng CASA của Vietcombank sẽ cải thiện từ mức 35,7% lên mức 37,3% vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, ACBS tin rằng áp lực trích lập dự phòng năm 2022 sẽ giảm xuống và điều này sẽ tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank. Tại thời điểm cuối năm 2021, VCB đã trích lập dự phòng cho toàn bộ dư nợ tái cơ cấu do Covid-19, vượt mức tối thiểu 30% theo quy định tại các Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021.

Ngoài ra, nền kinh tế hồi phục kể từ quý IV/2021 sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán của khách hàng và giảm áp lực nợ xấu phát sinh mới đối với Vietcombank. ACBS kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của VCB tăng trưởng 34,1%, đạt 36.725 tỷ đồng.

Hiện ACBS lặp lại khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 1 năm là 96.500 đồng/cổ phiếu, theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư. Giá mục tiêu này tương đương với P/E và P/B dự phóng năm 2022 là 17,5 lần và 3,5 lần.