Bàn về phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Thượng tuần tháng tư; Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022, rất quan trọng và trúng đích về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
330px-10-hands-shaking-with-euro-bank-notes-inside-handshake-royalty-free-without-copyright-public-domain-photo-image-01-1650930788.jpg Minh họa

Trong đó có nội dung: Từng bước mở rộng phạm vi (phòng chống tham nhũng, tiêu cực) ra khu vực ngoài nhà nước, được dư luận nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phân biệt khu vực ngoài nhà nước, với “khu vực quan chức” trong nhà nước.

Mà bất kể, khi chúng ta phát hiện ra kẻ nào tham nhũng, tiêu cực, thì kẻ đó phải bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý nghiêm minh. Không có thiên vị kẻ tham nhũng, tiêu cực này là  Chủ tịch Hội đồng Quản trị Group kinh tế tư nhân, hay là  Tổng Giám đốc Công ty TNHH… Hoặc kẻ tham nhũng, tiêu cực kia đương kim là  quan chức trong bộ máy nhà nước.

Thí dụ thực tế cách đây không lâu, cơ quan chức năng đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Chỉ một thời gian sau đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (lúc bấy giờ) Nguyễn Đức Chung phải ra “đứng trước vành móng ngựa”.

Dư luận nhân dân những người quan tâm thế sự so sánh: “Chả bù với ông Thẩm Hoàng Tín, cựu Thị trưởng Hà Nội giữa thế kỷ trước, (Thị trưởng - tương đương chức Chủ tịch UBND thành phố); vì bất bình về sự tham ô, biển lận, ngoắc ngoặc, “đi đêm” dưới thời Pháp thuộc. Thế nên ông Thẩm Hoàng Tín đã từ chức, chỉ làm thị trưởng Hà Nội, từ tháng 2/1950 đến tháng 6/1952.

Trở lại việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phân biệt khu vực ngoài nhà nước với “khu vực nhà nước”. Bởi vì ai cũng biết, một bên - “khu vực” có Tiền; một bên - “khu vực” có Quyền, hai nhánh lợi ích này rất dễ quan hệ ngoắc ngoặc với nhau. Và chưa thể võ đoán khẳng định có cá nhân ở “khu vực” nào là “sân sau” của “khu vực” nào?

Chả thế mà mỗi khi chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ lãnh đạo mới, nếu ai quan tâm, “tò mò” muốn biết trước (về nhân sự), chỉ cần tiếp cận với “giới Chủ tịch Hội đồng quản trị Group”, hay các Tổng Giám đốc doanh nghiệp TNHH tư nhân… là biết được. Đấy là còn chưa kể câu chuyện từ xa xưa ở nước ngoài, có nhân vật Lã Bất Vi, một Thương nhân (người nước Vệ), đã trở thành Tướng Quốc của nước Tần (thời Chiến Quốc). Do cú áp phe nổi tiếng buôn vua.  

Thế nên liên hệ hiện tại, xã hội hiện đại 4.0 như bây giờ, chúng ta vẫn sẽ không thể chủ quan, duy ý chí, mà không loại trừ trong phạm vi “khu vực quan chức nhà nước”, có thể có cá nhân nào đó tiêu cực, cam tâm làm “sân sau” cho khu vực ngoài nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có sự phân biệt khu vực, như đã nêu ở phần trên.  

Và qua Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị, theo chủ quan của tôi, kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục điều hành bộ máy kiểm tra, giám sát, chỉ đạo trúng đích hơn nữa, thông tuệ hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, cũng như công tác lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Chẳng hạn (về công tác xây dựng Đảng), quy định về những điều đảng viên không được làm, có điều 18 cần điều chỉnh: nếu đảng viên nào tổ chức, tham gia đánh bạc, sẽ bị đề nghị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng mức hình phạt lên gấp đôi, so với người ngoài Đảng (tổ chức, tham gia đánh bạc).

Về công tác lãnh đạo của Đảng, sớm chỉ đạo cơ quan chức năng sửa đổi, hoặc ban hành mới Pháp Luật “xếp theo hàng dọc”. Đơn cử Luật Đất đai hiện hành đang bất hợp lý nhất (xem nội dung chi tiết tại bài đã được đăng trong tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh), cần được đứng đầu hàng sửa đổi Pháp luật; để góp phần phòng chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay./.