Trần Lân

Trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn VietGAP: Hướng đi bền vững cho bà con ở Bến Tre

Bưởi da xanh có thể xem là một trong 5 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Bến Tre, được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao và được xác định là cây ăn trái chủ lực có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn của tỉnh Bến Tre thời gian tới.

Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là 5.904 ha, chiếm 20% diện tích cây ăn trái, trong đó diện tích đã và đang cho quả trên 4.000ha, trồng mới gần 130 ha, đến nay toàn tỉnh có 55,5 ha trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năng suất gần 12 tấn/ha, sản lượng trên 47 nghìn tấn/năm. Vùng trồng tập trung ở các huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Chợ Lách và thành phố Bến Tre.

Theo thống kê hàng năm của tỉnh, diện tích bưởi da xanh tăng dần và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao mà giá thành cũng cao, ổn định, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Khi triển khai mô hình hữu cơ, cái khó nhất là nông dân phải thật sự “đoạn tuyệt” với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, điều mà theo thói quen sản xuất, người dân vẫn sử dụng bấy lâu nay.

buoi-dx21-1651285682.jpg Vườn bưởi da xanh ở Bến Tre cho năng suất cao, chất lượng tốt

Anh Huy (xã châu Long, Bến Tre) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây chỉ có trồng một số loại cây ăn quả như: cam, nhãn, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhưng năng suất đầu ra kém, bấp bênh. Năm 2010, tôi quyết cải tạo vườn trồng cây bưởi da xanh chuyên canh theo hướng hữu cơ trên diện tích 2ha. Lúc đầu tôi chỉ trồng vài chục gốc, sau này thấy Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, phù hợp với giống cây bưởi da xanh kết hợp áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên vườn cây ngày một tươi tốt. Sau 3 năm, vườn bưởi đã lên trái xum xuê, trĩu quả nên tôi nhân rộng trồng lên vài trăm gốc và đều đạt sản lượng”.

Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại năng suất cao, giúp bà con có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, bưởi da xanh ở Bến Tre càng được thương lái ưa chuộng. Giá bưởi loại 1 dao động từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/quả. Bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 60 tấn bưởi, mỗi ngày có thể tiêu thụ được cả tấn bưởi. Mỗi năm nguồn lãi có thể thu về gần 1 tỷ đồng. 

buoi-dx11-1651285706.jpg Bưởi da xanh được chăm sóc đúng kỹ thuật cho giống bưởi da căng, vỏ mỏng

Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất tiêu thụ bưởi da xanh. Nhiều tỉnh, thành khác thực hiện giãn cách xã hội, thương lái không thể đến thu mua, nên lượng bưởi tồn đọng khá lớn làm ảnh hưởng lớn tới giá cả, được mùa nhưng mất giá.

Nếu không được tiêu thụ kịp thời, nhà vườn không chỉ thất thu mà còn ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vụ tiếp theo. Vì bưởi chín mà không hái kịp sẽ bị khô nước. Còn giữ lại trái bưởi trên cây khi mưa giông dễ khiến cây bị gãy đổ, hư hại.

buoi-dx3-1651285727.jpg Nhà nông phân loại bưởi để đưa tới nhà xưởng sản xuất

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Bến Tre có nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ trên trái bưởi da xanh. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình an toàn được chứng nhận đã giúp bà con trồng bưởi vững vàng giữa đại dịch”.

Dù khá nổi tiếng và hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn trái, nhưng bưởi da xanh Bến Tre vẫn loay hoay với thị trường nội địa. Mặc dù có rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước như Đức, Pháp, Canada, Hà Lan, Nga, Trung Quốc… nhưng bưởi da xanh Bến Tre chủ yếu được tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân là do sản xuất manh mún, thiếu liên kết, sản lượng và chất lượng trái bưởi không ổn định, số lượng không đủ để các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng xuất khẩu ra ngoài nước.