Trần Lân

Đổi thay từ nghề đan quẩy tấu ở bản vùng cao Lùng Hẩu (Hà Giang)

DNKTX – Để đến được thôn thôn Lùng Hẩu, xã Thái An (Quản Bạ), chúng tôi phải trải qua quãng đường gần chục km. Nhờ việc khôi phục nghề đan quẩy tấu đã làm thay đổi toàn diện đời sống của người dân ở thôn nghèo nơi vùng núi cao này.
z3265491860052-44f4bd2a8bee18584da9ba396211a49d-1647444092.jpg Đổi thay từ nghề đan quẩy tấu

Men theo con đường đi vào thôn được rải đều một lớp đá sắc cạnh, lởm chởm trên bề mặt và nằm chênh vênh bên vách núi. Trong thôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức 100%. Tuy nhiên, từ khi xã vận động người dân trong thôn khôi phục nghề đan quẩy tấu đã có sự thay da đổi thịt trên những nóc nhà vùng núi đá hoang xơ.

Đi cùng với nét đẹp văn hóa của dân tộc thì một vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày và hầu hết nhà nào cũng có chiếc quẩy tấu. Đây là dụng cụ gắn liền với người dân thôn, khi gùi sắn, rau, lấy củi trên rừng... Từ khi được xã tập huấn kỹ thuật đan và khôi phục nghề đan quẩy tấu vào năm 2013, đến nay, công việc đan quẩy tấu đang dần được người dân thôn Lùng Hẩu đưa vào hoạt động sản xuất.

Những chiếc quẩy tấu khi đan xong được người dân đưa ra chợ. Anh Lỳ Mí Tính, người dân thôn Lùng Hẩu cho biết: Một người đan thành thạo có thể đan 6 chiếc quẩy tấu/ tuần và bán với giá thị trường từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/chiếc. Nếu như thế, mỗi tuần 1 người có thể kiếm thêm ít nhất 700 nghìn để trang trải cuộc sống.

Ngoài làm quẩy tấu người dân được tập huấn, hướng dẫn làm các vật dụng khác như đan sàng, mẹt, bàn ghế... bằng nguyên liệu cây trúc sào có sẵn. Mặt khác, để tận dụng lợi thế xã Thái An là vùng đất có nhiều khách tham quan du lịch, xã đã vận động người dân làm những chiếc quẩy tấu với kích thước nhỏ hơn và những vật dụng khác bán cho du khách làm quà lưu niệm.

z3265492132822-a74e9b38df12181ac1031d165be1241a-1647444092.jpg Những bàn tay khéo léo đan từng thanh trúc tỉ mỉ để ra thành phẩm được đồng bào sử dụng

Ngược về những năm trước đây, thôn Lùng Hẩu không được địa chất và thiên nhiên ưu ái để phát triển sản xuất nông nghiệp. Người dân trong thôn chỉ trông chờ vào cây ngô làm lương thực trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống bấp bênh, tình trạng thiếu đói trong mùa giáp hạt vẫn đeo đuổi dai dẳng với người dân nơi đây. Trước những khó khăn ấy, nhiều năm qua cấp ủy chính quyền xã đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên vùng đất khó này như đưa cây sa mộc vào trồng, trồng cây cỏ voi để chăn nuôi, nhưng đều... thất bại.

Khí hậu khắc nghiệt làm cho cây trồng không thể phát triển và mang lại lợi ích để thay đổi cuộc sống cho người dân. Mỗi năm qua đi, thôn Lùng Hẩu luôn có 100% số hộ dân là hộ nghèo, đời sống khó khăn dẫn đến giáo dục, y tế, giao thông... ở đây cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Nhận thấy sự hiệu quả và thích hợp sau nhiều lần trồng thử nghiệm, chính quyền xã đã triển khai trồng rộng rãi cây trúc sào. bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng làm tăng giá trị sử dụng đất, phủ xanh đất trống, giữ đất giữ nước, còn tạo nên cảnh quan sinh thái mới lạ cho vùng cao nguyên đá.

Nhưng quan trọng nhất là khôi phục nghề đan quẩy tấu truyền thống của thôn mang lại cho người dân hiệu quả về mặt kinh tế. Từ khi có làng nghề quẩy tấu, kinh tế hộ dân trong thôn có nhiều nét đổi thay: Từ 100% hộ nghèo nay thôn đã giảm xuống còn 53 hộ nghèo trong tổng số 87 hộ của thôn. Trong đó có một số hộ đã thoát được nghèo điển hình như hộ ông Vàng Khai Dùng và ông Vàng Mí Dáo.

Những chiếc quẩy tấu được bán ra, người dân có thêm thu nhập từ đó mua các vật dụng thường ngày như bàn ghế, gạo, mua dê, nuôi o­ng... có nhiều hộ dân đã mua được xe máy với giá vừa tiền để đi lại và dùng để vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, khi nghề đan quẩy tấu được khôi phục đã giải quyết được vấn đề việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Nếu trước đây, trồng ngô tháng 5 đến tháng 10 thu hoạch, những tháng còn lại người dân chẳng biết làm gì thì giờ đây người dân có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi làm tăng thêm thu nhập. Anh Vàng Mí Tủa, thanh niên trong thôn cho biết: Trước đây, làm ngô xong thì chỉ đi chơi suốt ngày nhưng giờ học đan quẩy táu vừa biết được nghề đan truyền thống của người dân mình vừa kiếm được tiền để mua nhiều thứ đồ dùng khác nữa.

Đan quẩy tấu đang mang lại những giá trị thiết thực. Tuy nhiên để phát triển sâu rộng cho người dân cần sự hỗ trợ về kinh phí của cấp trên mua máy chẻ nan và có sự đầu tư về đầu ra sản phẩm để đưa nghề thủ công chuyển sang tiểu thủ công nghiệp nhằm giảm tải sức lao động đồng thời nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã đẹp hơn để bán ra thị trường tăng thu nhập cho người dân. Với một vùng đất núi đá, điều kiện tự nhiên “kén chọn” cây trồng nông nghiệp thì việc trồng cây trúc sào và khôi phục nghề đan quẩy tấu đang là hướng đi đúng đắn, xóa đói giảm nghèo bền vững ở Thái An./.