Dệt may Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn "xanh" xuất sang EU

Hàng dệt may muốn đủ điều kiện xuất sang thị trường Châu Âu phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Ủy ban châu Âu vừa đề xuất áp dụng một số quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này đó là hàng dệt may Việt Nam vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Do vậy ngành dệt may Việt Nam sẽ phải sớm thay đổi để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại các thị trường khó tính.

Dây chuyền sản xuất bông của nhà máy Bông TNG cung ứng hơn 80% nguyên liệu đầu vào là bông tái chế, thân thiện với môi trường cho áo khoác, thể thao cao cấp xuất sang châu Âu, Mỹ… Từ cuối năm ngoái, đơn đặt hàng các đối tác EU đã tăng gần 200% đi kèm các tiêu chuẩn xanh khiến nhu cầu về bông tái chế cũng tăng theo.

det-may-zryq-1649159775.jpg Thị trường EU đòi hỏi rất cao về sản phẩm tiêu thụ tại khu vực.

Để thực hiện đề xuất mới đối với hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Xu hướng các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên đặt hàng từ các doanh nghiệp xanh.

Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên sẽ có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong một báo cáo gần đây thì dệt may là một trong những ngành có cơ hội sớm cải thiện được vấn đề carbon và môi trường. Xu hướng ưa chuộng sản phẩm được sản xuất từ sản xuất xanh ngày càng phát triển. Người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ hoặc EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất phải sạch hơn và hàng hoá thân thiện với môi trường hơn. 

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Ðức Giang cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan “xanh hóa” trong sản xuất.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chuyển đổi sản xuất, đáp ứng cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của Châu Âu, trong đó có Luật Thẩm định doanh nghiệp Đức có hiệu lực vào năm 2023, yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đa số doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS nhấn mạnh: “Xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA).