Trần Lân

Giá cá tra hồi sinh mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm, mang lại niềm vui cho nông dân

Hiện giá cá tra nguyên liệu đã tăng tới 25% so với cuối năm 2021, chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn cao hơn.

Sau biến động tăng giá xăng, dầu, là ảnh hưởng của giá vật tư đầu vào của ngành cá tra. Bên cạnh đó, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều nông dân đã lo ngại, không dám thả nuôi cá tra. Điều này đã khiến cho nguồn nguyên liệu cá tra cung ứng cho chế biến và xuất khẩu thiếu hụt, kéo theo giá cá tra biến động liên tục trong thời gian qua.

Tuy nhiên, những tháng gần đây, ngành cá tra Việt Nam đã hồi sinh mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm. Hiện, giá cá tra nguyên liệu đã tăng tới 25% so với cuối năm 2021, chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn cao hơn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân của đợt tăng giá vừa qua xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn cung.

Ông Nguyễn Thành Sơn, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, với giá này, người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng/kg. Gia đình ông có thâm niên hàng chục năm gắn bó với nghề nuôi cá tra xuất khẩu vẫn cố gắng đeo đuổi nghề. Hiện ông Sơn có 2 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 2.000 m2 mặt nước. Trong những ngày tới, sản lượng cá xuất ao của gia đình ông Sơn vào khoảng 200 tấn cá tra thương phẩm.

Giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Sơn đánh giá, nghề nuôi cá da trơn tại Tiền Giang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh khó lường do giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh trong những ngày qua.

ovffnbby-1650427481.jpeg Giá cá tra hồi sinh mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm mang lại niềm vui cho nông dân. Ảnh minh hoạ.

Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều hộ đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch cho năm nay. Các ao cá chỉ duy trì, hạn chế cho ăn và không dám thả nuôi thêm. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay từ đầu năm.

VASEP dự báo việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý 2 năm nay. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng càng là yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá cá tra nguyên liệu. 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của cả nước ước tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Mặc dù giá cá tra đang có hướng thuận lợi cho người nuôi, nhưng lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương có nuôi cá tra đang lo ngại, nông dân sẽ vì con số lợi nhuận này mà lại thả nuôi ồ ạt, làm cho nguồn cung cá tra trong nước mất phương hướng sản xuất.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp các địa phương phân tích rõ cho người nuôi về tình hình giá thức ăn, thuốc thủy sản, vật tư đầu vào… đều tăng mạnh sẽ kéo chi phí giá thành nuôi cá tra tăng lên.

Do đó, các doanh nghiệp và người nuôi cá cần nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác… nhằm giảm chi phí giá thành, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng chất lượng để tăng sức cạnh tranh; đồng thời, đáp ứng đa dạng thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhất là các thị trường khó tính.