Trần Lân

Xín Mần, đất và người dang rộng vòng tay

"Xín Mần ơi, tôi gọi gió cướp lời". Những cơn mưa cuối hạ xối xả trút nước xuống núi rừng, chúng tôi về miền tây của Hà Giang.
xin-man-ha-giang-1649377985.jpg Ruộng bậc thang ở Xín Mần

Xín Mần, một chuyến đi trong háo hức chờ đợi tưởng như đã hẹn hò từ vài chục năm trước. Khởi hành chuyến đi này, không hiểu sao câu thơ của nữ thi sĩ Ðoàn Thị Ký: "Xín Mần ơi, tôi gọi gió cướp lời" cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi ngâm nga nhẩm đọc suốt dọc đường đi.

Qua những nương ruộng bậc thang lúa xanh ngăn ngắt. Qua bao ngọn thác cao ngất trời và cả những dòng nước như sợi chỉ trắng chảy từ đỉnh núi xuống. Có lẽ đến ngót trăm ngọn thác lớn nhỏ. Người xe chênh vênh với mây núi. Song hành là con sông Chảy mầu nước trắng đục, tít tắp mãi dưới vực sâu. Lòng sông sâu ngổn ngang đá. Xín Mần là đây.

Sau mưa gió từ núi thổi về mát rượi. Trời xanh mây trắng. Chúng tôi đã được đón nhận gió của Xín Mần. Gió từ các triền núi đất thổi dọc sông Chảy, phả lên thị trấn Cốc Pài. Gió mang hương thơm của phấn ngô Nàn Ma, Nàn Xỉn. Gió mang vị ngọt của mật ong từ Pà Vầy Sủ, Chế Là. Trong gió, tôi nghe có tiếng khèn Mông dìu dặt và tiếng sáo La Chí réo rắt gọi bạn tình. Gió núi đưa chúng tôi vào mùa thu của xứ sở miền tây Hà Giang này.

Chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Xín Mần. Mấy trăm ngôi mộ xếp hàng tăm tắp. Ánh chiều hắt nắng lên những ngôi sao trên bia mộ. Ðoàn chúng tôi nghiêng mình kính cẩn trước tượng đài Tổ quốc ghi công. Tôi đã gặp những người quen và rất nhiều người chưa một lần biết. Họ có tên và vô danh, từ mọi miền quê đã hy sinh để bảo vệ biên cương. Ðây, mộ bia của những liệt sĩ Văn công của Trung đoàn 148, đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống thực dân Pháp và tiễu phỉ.  

Xín Mần của biết bao huyền thoại là đây. Tôi được giới thiệu theo chữ Hán "Xín Mần" có nghĩa là "Cửa mở". Hôm nay, chúng tôi đến với miền quê có dãy Gia Long, có đèo Mây, thác Gió trong thời điểm cả Hà Giang đang mở cửa chào đón du khách trong và ngoài nước về với miền biên cương hùng vĩ.

xin-man-ha-giang-kynghidongduongvn-1649378044.jpg Bãi đá cỏ ở Nấm Dẩn

Chúng tôi đứng trước đền Gia Long thờ thần Rồng tại thị trấn Cốc Pài. Là đền mà không có ngôi nhà nào cả. Chỉ có mái đá vươn ra che mưa nắng. Thời gian hằn lên đá thành hình Rồng linh thiêng cho cả vùng. Tán cây đề, cây si đan quyện xòa bóng mát. Những mảng rễ vây bọc lấy đá. Chung quanh đền ngô đang mùa quả, phấn ngô thơm hòa quyện trong khói hương lễ bái của người dân bản xứ và khách thập phương.

Sáng thứ bảy ngược núi, theo con đường trải nhựa đi về phía biên giới, thăm Ðồn Biên phòng Xín Mần. Trời biên cương se lạnh. Nắng mỏng như một tấm voan dát vàng lên các nương lúa bậc thang của Thèn Phàng, Chí Cà. Vui gặp phiên chợ Mốc 5 thuộc địa phận thị trấn Chín Sang, huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ðường lên biên giới mùa này sao nhiều hoa đẹp đến thế!

Cán bộ Ðồn biên phòng, cho biết: An ninh biên giới thời gian qua  tương đối ổn định. Nhân dân hai nước vẫn đến chợ cửa khẩu buôn bán, giao lưu văn hóa. Những thiếu nữ Mông đi chợ ăn mặc rất diện. Xúng xính váy áo khăn thêu rực rỡ sắc mầu. Sau bữa cơm đãi khách mà cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng tiếp đón, chúng tôi lại có mặt tại Cốc Pài.

Ngày mai là phiên chợ. Người dân phố huyện cũng phấp phỏng. Nhà nhà sáng điện thật khuya. Những đôi trai gái dắt tay nhau dạo quanh phố núi. Tôi một mình lang thang quanh chợ. Rất nhiều đồng bào Mông, Dao, Nùng đã về chợ từ hôm nay. Họ đến nhà anh em, nhà người quen ngủ. Nhưng cũng rất nhiều người ngủ tại chợ. Phụ nữ cũng thản nhiên nằm ngủ trên các sạp hàng bỏ trống. Nam giới thì giản đơn hơn, vài tàu lá dưới nền chợ. Quán ăn đêm tưng bừng chào mời. Tiếng chạm  bát chén huyên náo trong sự bình yên của phiên chợ vùng cao.  

Khi tỉnh dậy thì phiên chợ Cốc Pài đã đông nghịt người. Sắc áo xanh của người Nùng từ Thèn Phàng, Chí Cà bán đỗ tương, gạo Già Dui (thứ gạo nổi tiếng của Hà Giang mà huyện đang có ý định xây dựng thương hiệu). Người Mông xuống chợ với sắc mầu lộng lẫy nhất, ngập tràn mầu đỏ, mầu hồng. Tình cờ gặp lại  hai người mà hôm qua đã gặp ở chợ Mốc 5.

Tôi tha thẩn quanh chú bé bán ớt. Thứ hàng nào cũng tươi rói, tươi hơn cả là nụ cười của người bán. Họ hồn nhiên trong sáng, tự hào vì từ đất đá vùng cao đã làm ra hàng hóa. Ðắt rẻ không mấy quan trọng. Mặt hàng chỉ thêu váy áo may sẵn, sạp bán đồ nữ trang người Mông luôn chen chúc các thiếu nữ. Họ ngắm, đo, đeo, mặc thử. Ði trong phiên chợ như đi trong cảnh sinh hoạt của ngày hội văn hóa đa sắc tộc. Vừa cá tính, độc đáo, vừa sum vầy, ấm áp. Chiều, xe máy, ngựa, bắt đầu chở hàng về bản, nào dầu, muối, gạo, đỗ, sách vở...  

Tôi đã nhiều lần ngược phía bắc Hà Giang lên với Yên Minh, Ðồng Văn, Mèo Vạc. Gặp cao nguyên đá, có người gọi là rừng đá, cánh đồng đá. Ðá phía bắc thì sắc nhọn, mầu đen đến rợn người. Lần này về phía tây lại gặp những dòng sông đá, dòng suối đá, cả khu quần thể đá. Ðá phía tây Hà Giang thường tròn hoặc có bề mặt phẳng, mầu sáng. Thiên nhiên đã đẽo gọt chăng, miền quê có độ dốc lớn, mưa nhiều đã trồi ra những khối đá lớn, nhiều hình thù kỳ lạ.

thac-tien-deo-gio-1649378083.jpg Thác tiên đèo Gió

Ngược dòng suối đá, chúng tôi đến Nấm Dẩn. Ðây là khu dân cư người Nùng. Ruộng bậc thang lúa nước xanh ngắt từ chân lên đỉnh núi. Xen lẫn quần thể lá là nương ngô đã đến kỳ thu hoạch. Nấm Dẩn theo nghĩa tiếng Nùng là "nước lạnh". Một dòng suối mát từ ruột núi và hai bên sườn dốc dồn về. Ðá như những con vật khổng lồ đang đứng nằm, ngổn ngang trên  đồng.

Tôi trèo lên một khối đá lớn cao tới hơn 5 m, mặt phẳng trên rộng hơn 50 m2, đứng đây thấy như đang cưỡi trên một cụ rùa đá khổng lồ. Ðầu ngóc về phía đỉnh cao nhất của dãy núi, chân phải bước nghiêng về suối. Lòng suối có hàng trăm khối đá lớn nhỏ ẩn hiện. Lại một bất ngờ. Hai phiến đá nằm sõng xoài bên bờ suối. Mặt phẳng đến sửng sốt, giống như người ta xẻ gỗ.

Ðến bãi đá còn lưu lại nhiều dấu tích văn hóa cổ, theo khảo cứu của các nhà khoa học, tại đây đã phát hiện tám phiến đá lớn có nhiều hình khắc cổ, nằm rải rác trên diện tích 8 ha. Chúng tôi dừng trước phiến đá lớn có hình một con rùa. Tại phần mai rùa diện tích khoảng 20 m2, các nhà khoa học đã phát hiện 79 hình vẽ, trong đó có 40 hình tròn, hai hình chữ nhật, một hình vuông, sáu hình hồi văn, năm hình biểu tượng sinh thực khí phụ nữ, hai hình bàn chân người... Nét khắc chìm thô sơ trực tiếp vào bề mặt đá. Theo các nhà khoa học, những nét chạm khắc trên có niên đại hơn một nghìn năm. Việc giải mã vẫn còn là điều bí ẩn.

Từ nhiều đời nay dân bản vẫn gọi khu này là: "Nà phẩu lai shử" (khu ruộng đá có nhiều chữ). Hằng năm vào ngày mồng một tháng sáu âm lịch, đồng bào mổ lợn cúng Thần Ðá. Nghi thức được tổ chức ngay tại di tích đá cự thạch. (Các nhà khoa học nhận định cự thạch ở Nấm Dẩn có thể liên quan đến tục thờ Thần Ðá của các cư dân cổ).

Xín Mần gặp không ít khó khăn do thời tiết xấu: khô hạn, bão lốc, mưa lớn, thiên tai. Dịch rầy nâu bùng phát, một số bệnh dịch trên đàn gia súc. Giá cả hàng hóa vật tư, phân bón có nhiều biến động. Không nao núng, Ðảng bộ và nhân dân Xín Mần đã vượt qua khó khăn đứng vững và làm chủ tình hình.

Dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, Xín Mần đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh biên giới và nội địa. Với mục tiêu: Tập trung cải cách hành chính; xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.

Xín Mần, mảnh đất còn nhiều khó khăn nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng đang được nhân dân các dân tộc ở đây khai thác, phát huy và gìn giữ. Vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng, sông suối cùng với tấm lòng thân thiện, ấm áp và kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc ở đây đang dang rộng vòng tay chào đón du khách./.