Trần Lân

Bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam

Các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 sẽ được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài để nâng cao vị thế và uy tín sản phẩm.

Sáng 31/12 Bộ Khoa học và Công nghệ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Lễ ký thực hiện bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo ký kết, ba Bộ cùng phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, trong đó tập trung vào các biện pháp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài, nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu chứng kiến lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký chương trình phối hợp.

Có 6 nhóm nhiệm vụ được thực hiện trong kế hoạch này. Trong đó có nghiên cứu hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể. Các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu và chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý sẽ được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ ở nước ngoài.

Chương trình cũng thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm. Tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài.

 

Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều chương trình bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển tài sản trí tuệ, nhất là đối với những hàng hóa tại thị trường tiềm năng.

Trong năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý Vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Năm 2021, có 95.139 đơn đăng ký bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ... được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận, trong đó xử lý được 85.204 đơn các loại.

Thực hiện kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các chủ thể liên quan trong việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là nông sản và đặc sản các vùng miền trên thị trường quốc tế.

Theo Vnexpress.net