Trần Lân

Có một thiên tài đất Việt: OCEAN VUONG

“Có những người con làm rạng danh cha mẹ/Có những con dân làm rạng danh Tổ quốc”.
download-600x327-1645844917.jpeg Ocean Vương và bìa tác phẩm

Ocean Vương là một nhà thơ, nhà tiểu luận và tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt. Anh là người nhận được học bổng Ruth Lilly/Sargent Rosenberg năm 2014 từ Poetry Foundation, Giải thưởng Whites 2016 và Giải thưởng Eliot TS 2017 cho thơ của anh. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh, On Earth We're Briefly Gorgeous, được xuất bản vào năm 2019. Năm 2019, anh nhận giải MacArthur Fellowship, còn được gọi là "giải thiên tài".

Tôi hỏi 8 người bạn thích đọc sách, biết Ocean Vuong không? Tất cả đều trả lời là không, vậy là tôi nằm trong khối đa số hổ thẹn, vì không biết đến một nhân tài gốc Việt, sống ở Mỹ, một thi sĩ mà người bản xứ không tiếc lời ca tụng, tặng giải thưởng về thơ (genius prize) trị giá 625.000USD

Thơ của em, Night Sky With Exit Wound (Trời đêm với những vết thương xuyên thấu) và cuốn tiểu thuyết Trên trái đất chúng ta một thoáng huy hoàng (On the earth, we’re gorgeous) được dịch ra 30 thứ tiếng, kể cả tiếng Việt; quyển tiểu thuyết được New York Times cho là “biến cố văn chương” năm 2019, và trong danh sách best sellers trong 6 tuần liên tiếp.

Từ đây, tôi gọi tên em là Vương Hải, chứ không gọi Ocean Vuong như người Mỹ. Em sinh năm 1988, bà Ngoại tên Lan, mẹ tên Hồng, gốc người Gò Công, gia đình 6 người vượt biên qua trại tị nạn Philippines, ở đó 1 năm, sau đó định cư ở Mỹ năm 1990, lúc Hải được 2 tuổi. Gia đình 6 người cư ngụ trong một căn hộ chung cư có một phòng ngủ, ở vùng da đen Harford, Connecticut. Nơi đây đã để lại dấu ấn trong đời và trong thơ văn của Hải. Cho tới khi tiếp xúc với bên ngoài, em cứ nghĩ nước Mỹ là của người da đen.

Tên khai sinh do Cha đặt là Vương Quốc Vinh, sau khi Cha đi tù vì tội bạo hành mẹ, ly dị mẹ, bỏ nhà ra đi, người mẹ quyết định đổi tên em là Hải để cắt đứt với quá khứ.

Một lần phỏng vấn, hỏi nguồn thơ của em từ đâu ra, em trả lời là mặc dù mẹ em mù chữ, nhưng khi đặt tên em, bà nghĩ đến Thái Bình Dương, là biển nối liền Mỹ với quê hương Việt Nam là có ý thơ rồi (phải chăng từ câu hát: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”). Hơn nữa, em được giáo dục bởi 3 người Phụ nữ: bà ngoại, mẹ và dì Mai, đã đọc thơ, kể chuyện, hát ca dao cho em nghe, do đó thơ, từ thuở nhỏ đã thấm vào hồn em.

Bà ngoại Lan, là người mù chữ, cũng như mẹ em và dì Mai, có lẽ trong gia đình có gen ex mang chứng khó đọc chữ (dyslexia) vì người em của Hải đã bị chứng này. Thời trẻ bà Ngoại bỏ nhà ra đi, làm me Mỹ, gặp ông Ngoại là người Mỹ da trắng, tên Paul, gốc nông dân ở Michigan, cũng bỏ nhà, đăng lính Hải quân, qua chiến đấu ở Việt Nam.

un-bref-instant-de-splendeur-5read-only-16146158322241554198529-1645845086.jpg Bìa một tác phẩm của Ocean Vương

Bà ngoại sinh 2 cô con gái, giống Mỹ nhiều hơn giống Việt. Có lúc vì khó khăn, bà phải bỏ con vào cô nhi viện, khi chồng về Mỹ năm 1971 và không trở lại. Chính bà ngoại là người đã kể cho Hải nghe chuyện chiến tranh Việt Nam, do đó, dù đến Mỹ năm 2 tuổi, chiến tranh Việt Nam không rõ nét trong thơ văn của Hải. Có thể nói, Hải rời Việt Nam nhưng Việt Nam không rời Hải.

Mẹ Hải, bà Hồng, sống bằng nghề làm móng tay. Người tình đầu của em là Trevor, da trắng, con nông gia trồng thuốc lá, là đề tài mà em đã viết trong thơ và quyển tiểu thuyết hết sức sống động. Sau đó, Trevor chết vì chích ma túy quá liều. Hình ảnh người cha vắng mặt trong đời em, được tả một cách nhạt nhòa bàng bạc trong thơ Hải.

Hải đi học Mẫu giáo hồi 5 tuổi, nhưng mãi tới năm 11 tuổi em mới đọc và hiểu được tiếng Anh một cách thông thạo. Sau đó em thường đi thư viện và miệt mài trong sách vở. Em kể khi nghe băng bài diễn văn của Mục sư Martin Luther King, Jr “I have the dream” thì em bắt đầu có mộng lớn của riêng mình.

Chú bé cô đơn, bị hiếp đáp trên xe bus, trên đường đi học, tìm an ủi trong sách vở, bắt đầu làm thơ. Thầy giáo nghĩ là em đạo văn, ông không thể tưởng tượng một đứa học trò nghèo, xuất thân từ gia đình mù chữ, phát âm chữ THE cũng ngọng, thì làm sao có thể làm thơ hay như vậy, nên phạt em về tội ăn cắp, ăn cắp Thơ. Nhưng ông giáo đã lầm, một Thiên tài vừa xuất hiện mà ông không biết!

Em kể: “tôi viết rất chậm, xem từ ngữ như một vật thể, tôi luôn cố tìm từ ngữ trong từ ngữ: Tôi bước vào đời mình/Cách từ ngữ/Bước vào tôi”

Nói về chuyện đọc sách, em viết: “Ôi thằng con ngốc/Con có thể lạc lối trong mọi cuốn sách/Nhưng không bao giờ quên được chính mình”.

Vào Đại Học, lúc đầu em chọn Marketing vì hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền để giúp gia đình, nhưng sau 8 tuần thì em bỏ học, vì biết mình đã chọn sai, nên đổi qua Brooklyn College - ĐH New York, theo học Văn chương Anh thế kỷ XIX. Em lấy bằng BA, sau đó tốt nghiệp MFA về Thơ của ĐH New York, hiện nay làm Giảng sư MFA ở ĐH Massachusetts, thành phố Amherst.

ocean-vuong-nguoi-my-goc-viet-chien-thang-giai-thien-tai-macarthur-2-1569549037194144330408-1645845179.jpg Chàng trai 33 tuổi gốc Gò Công được coi là nhân tài trên đất Mỹ

Quyết định chuyển ngành học từ Marketing qua Văn chương là điều may cho bản thân Hải, cho nước Việt và cho thế giới Thi ca: một nhân tài có dịp để thăng hoa. Tạp chí Foreign Policy bình chọn Ocean Vuong là 1 trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu nhân loại trong năm 2016. Vương Hải như đóa sen, mọc từ bùn, vươn lên và tỏa hương. Em đi từ no one (không là ai) trở nên anyone (bất cứ ai) rồi trở thành someone (một người hơn người).

Tôi theo dõi nhiều buổi phỏng vấn, đọc thơ của Vương Hải trên các chương trình TV Mỹ, Canada, Pháp, Đức… Điều đập vào mắt tôi là cách em chào cử tọa, cúi mình thật thấp. Người Nhật bảo: những hạt lúa chín là những hạt lúa cúi đầu - thái độ thật khiêm tốn, ăn mặc giản dị, giọng nói nhẹ nhàng của phái nữ, trầm bổng đầy chất thơ.

Thật khó tưởng tượng một chú bé, thuở nhỏ nói thứ tiếng Anh của người da đen ít học. Một lần ở tiệm Sears, người bán hàng hỏi em là con nuôi của mẹ (vì mẹ là con lai Mỹ rất trắng), em trả lời không, tôi từ asshole của mẹ tôi ra. Ngày nay, em sử dụng thứ tiếng Anh hết sức trau chuốt của giới trí thức khoa bảng.

Em kể lại, thuở nhỏ, bài học đầu tiên mà bà ngoại và mẹ em dạy để sinh tồn ở nước Mỹ là đừng để ai chú ý tới mình. Vì mình là người Việt da vàng đã khác họ rồi, phải làm sao để trở nên... vô hình, mẹ dạy con phải tự biến mất. Em hiểu là người lớn muốn cho em yên thân, được an toàn (ngày nay với phong trào bài Á, những lời khuyên đó có còn đúng ?)

Có sự khác biệt giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Thế hệ 2 muốn người ta biết đến mình, để vươn lên; tự hào về mình. Thế hệ thứ nhất dạy con mình biến đi, tự vệ bằng cách tự xóa mình. Mong em sẽ đi xa hơn nữa (vì còn quá trẻ, 33 tuổi) trong sự nghiệp sáng tác của mình để đạt được Nobel Văn học.

Tiếc cho em, đạt được vinh quang, thoát cảnh nghèo, thì những người thân lần lượt ra đi: bà Ngoại, người đã dạy Văn chương bình dân Việt Nam, kể cho em nghe về cuộc chiến tàn khốc, chết vì ung thư xương giai đoạn cuối, mà em đã tả một cách sống động trong tiểu thuyết. Người mẹ Hải hết lòng thương yêu (Con thương mẹ, mẹ ơi) ra đi vì ung thư vú di căn. Người mẹ, làm nail, suốt ngày phải cúi đầu giũa móng tay, móng chân cho khách, luôn miệng nói sorry, sợ đau khách sẽ không được tip.

Một bữa, khi dự buổi ra mắt sách của Hải, nghe con đọc thơ tiếng Anh mà bà chẳng hiểu gì, chỉ quan sát cử tọa, bà khóc nức nở vì sung sướng. Bà nói: “Má không bao giờ nghĩ là mình sẽ sống để thấy ngày những người da trắng, đứng tuổi, vỗ tay tán thưởng con của má”. Hải trả hiếu cho Mẹ bằng sự thành công khi được đánh giá là Thiên tài nước Mỹ. Có chăng một chốn gọi là chín suối? Nếu có, chắc Mẹ em đang nở nụ cười mãn nguyện: nhiệm vụ của bà đã hoàn thành. Cám ơn Vương Hải, đã cho tôi niềm hãnh diện của người Việt./.