Trần Lân

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức tập huấn chuyên sâu về tra cứu thông tin sáng chế cho các nhà khoa học thuộc thành viên Mạng lưới TISC Việt Nam

Triển khai các hoạt động hỗ trợ Mạng lưới TISC Việt Nam, nhằm hỗ trợ năng lực về sáng chế cho các nhà khoa học thuộc thành viên Mạng lưới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hai lớp tập huấn chuyên sâu về tra cứu thông tin sáng chế vào ngày 05-07/12/2022 và ngày 24-26/5/2023.

Chương trình Trung tâm Hỗ trợ Đổi mới và Công nghệ (Technology and Innovation Support Center), hay còn được biết đến đến với tên gọi viết tắt – TISC, là Chương trình do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) khởi xướng, định hướng nhằm giúp các nhà đổi mới tiếp cận dễ dàng với thông tin công nghệ chất lượng cao và các dịch vụ liên quan tại địa phương. Trong bối cảnh hợp tác chung với các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia, bên cạnh  nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, WIPO nỗ lực hỗ trợ xây dựng kỹ năng cho cán bộ mạng lưới TISC thông qua các khóa đào tạo tại chỗ và đào tạo từ xa; cung cấp thông tin và tài liệu đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn.

Mạng lưới TISC của Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 2012, bên cạnh các hoạt động của Cục Sở hữu trí tuệ cùng các thành viên để thúc đẩy và phát triển Mạng lưới, WIPO đã luôn hỗ trợ Mạng lưới  trong công tác nâng cao năng lực cho thành viên nhằm khai thác tiềm năng đổi mới của mình, không ngừng tạo ra, bảo vệ và quản lý các quyền sở hữu trí tuệ. Đào tạo, cung cấp nguồn lực và kết nối mạng là những trụ cột hỗ trợ do WIPO cung cấp cho các thành viên của TISC, đồng thời trên cơ sở nhu cầu từ phía các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc Mạng lưới, WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp tổ chức hai lớp tập huấn về kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế vào ngày 05-07/12/2022 và ngày 24-26/5/2023. Hai lớp tập huấn nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Bộ phận phát triển TISC, Phòng Sở hữu trí tuệ cho các nhà đổi mới, Ban hệ sinh thái đổi mới và sở hữu trí tuệ của WIPO. 

Tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn là nhóm chuyên gia rất có kinh nghiệm về tra cứu thông tin sáng chế đến từ Văn phòng Sở hữu trí tuệ Philippines (IPOPHL), đó là: ông Wilfredo Calaguan, bà Maria Concepcion, bà Winelma M. Garcia, bà Brianne Nicole A. Sanchez. Các giảng viên đã hướng dẫn tận tình các kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Nội dung lớp tập huấn tập trung vào thông tin sáng chế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, các loại hình tra cứu sáng chế, kỹ năng làm sáng tỏ thuật ngữ để tìm từ khóa tra cứu, phân loại các tài liệu sáng chế, công cụ và cơ sở dữ liệu tra cứu sáng chế, chiến lược và báo cáo tra cứu sáng chế, đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo để bảo hộ sáng chế. Bên cạnh các tài liệu hữu ích được chia sẻ, nhóm chuyên gia còn đưa ra các ví dụ thực hành giúp học viên nắm bắt được kiến thức, kĩ năng nhanh chóng hơn. Mỗi lớp tập huấn kéo dài trong 03 ngày, được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên phần mềm Zoom tạo cơ hội trao đổi, thảo luận cho các học viên và chuyên gia.

Lớp tập huấn về tra cứu thông tin sáng chế dành cho mạng lưới TISC Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ hơn 100 học viên là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên, cán bộ quản lý của trường đại học, viện nghiên cứu là thành viên của Mạng lưới TISC Việt Nam. Bên cạnh việc thảo luận trong qua trình diễn ra tập huấn, học viên được WIPO hỗ trợ, hướng dẫn tham gia nền tảng eTISC (nền tảng dành cho cộng đồng TISC và người dùng tương tác và chia sẻ kiến thức ) để tiếp tục có những câu hỏi cho chuyên gia sau khi kết thúc tập huấn. Các học viên tham gia nền tảng này, ngoài việc tham gia nhóm thảo luận liên quan đến chương trình tập huấn thì có thể tiếp cận nhiều thông tin hữu ích khác phục vụ công tác nghiên cứu triển khai.

Với nỗ lực của Cục SHTT trong những năm qua, các trường đại học và viện nghiên cứu tham gia mạng lưới TISC Việt Nam đã dần được nâng cao năng lực về lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và sáng tạo. Những hỗ trợ từ phía WIPO với nguồn học liệu chuyên sâu và nhóm chuyên gia quốc tế là yếu tố góp phần không nhỏ cho sự chuyển biến tích cực này. Trong tương lai, Cục Sở hữu trí tuệ và WIPO sẽ tiếp tục có những hoạt động hợp tác nhằm đẩy mạnh Mạng lưới TISC Việt Nam.

 

Một số hình ảnh của các lớp tập huấn