Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn thấp, nhiều hộ chăn nuôi lao đao

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi đó giá lợn lại thấp khiến cho người chăn nuôi thua lỗ phải bỏ nghề.

Từ sau Tết âm lịch đến nay, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi giá các loại nguyên liệu đầu vào để sản xuất liên tục tăng cao. Chính vì lý do này, giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3 - 13%.

So sánh tháng 3 năm nay với tháng 3 năm 2021, nhóm ngũ cốc tăng giá mạnh. Minh chứng như ngô hạt tăng gần 30%, đỗ tương tăng hơn 33%, bã ngô tăng hơn 23%, tăng mạnh nhất là lúa mì tăng gần 50%.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bắc Ninh cho hay: "Hầu hết trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi nông hộ đã giảm 60 - 70% , chỉ còn lại trang trại chăn nuôi, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi mà người ta chủ động được con giống, ứng dụng được khoa học công nghệ và kiểm soát tốt được dịch bệnh thì hiện nay còn duy trì".

ta-1651113991.png Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá lợn lại thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi bỏ chuồng trại.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 khi giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục cao hơn hiện tại.

Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 10 triệu hộ. Khi giá thức ăn tăng, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi họ hoàn toàn bị động từ khâu đầu vào cho đến khâu tiêu thụ. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi bán ra vẫn đang ở mức thấp, không ghi nhận có sự thay đổi nào mới. Hiện các gia trại hoặc các trang trại nhỏ vẫn chưa đạt được điểm hòa vốn.

Trang trại của anh Hà Văn Tuấn (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đang nuôi hơn 7 con lợn nái và khoảng vài chục con lợn thịt. Từ quy mô 50-60 còn con lợn thịt xuất chuồng luân phiên, 2 năm nay trang trại của anh đang co hẹp dần và số lượng lợn nái cũng giảm xuống mức thấp nhất có thể. “Bỏ hoàn toàn lợn nái thì khi giá lợn hơi tăng trở lại sẽ không có lợn giống để tái đàn, mà nuôi lợn nái duy trì thì cầm chắc lỗ càng sâu, vì lợn con nái đẻ ra bán chỉ 1,1-1,2 triệu đồng/con trong khi 2 năm trước là 2,2-2,5 triệu đồng/con, có thời điểm còn 3-4 triệu đồng/con. Vậy nên số lượng lợn nái đã giảm chỉ còn 1/3. Lợn thương phẩm cũng chỉ duy trì ở mức vài chục con, bởi hiện nay giá lợn hơi xuống thấp chỉ 53.000-54.000 đồng/kg, càng nuôi nhiều càng lỗ”, anh Hà Văn Tuấn chia sẻ.

Theo khảo sát thì giá heo hơi ngày 27/4 đi ngang trên cả nước. Cụ thể giá heo hơi ở miền Bắc chỉ dao động trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg. Trong khi đó, khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì dao động trong khoảng 52.000 - 57.000 đồng/kg. Còn giá heo hơi miền Nam dao động trong khoảng từ 53.000 - 58.000 đồng/kg. 

Chi phí thức ăn chiếm từ 65-70% trong cơ cấu giá thành sản xuất. Do đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương không có các giải pháp trong ngắn hạn là bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân để chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn; về lâu dài cần tái cơ cấu ngành chăn nuôi để ngành phát triển bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước.