03 xu hướng sở hữu tài sản trí tuệ năm 2022

(PLBQ) - Hai năm kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, xu hướng đầu tư tài sản trí tuệ ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp và các nhà đầu tư dần dành nhiều sự quan tâm hơn cho các tài sản trí tuệ liên quan đến lĩnh vực như y tế, khoa học, công nghệ... Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến các loại tài sản trí tuệ có khả năng xuất hiện đáng kể vào năm 2022.

Trong hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, cộng đồng sở hữu trí tuệ - chủ sở hữu, người thực thi, và các bên liên quan khác - tiếp tục thích ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Ví dụ, trong khi ngành công nghiệp live stream bán hàng ngày càng phổ biến, các vấn đề pháp lý về xuất xứ hàng hóa hay bản quyền cũng được đặt ra. Tương tự như vậy, doanh số bán lẻ trên các nền tảng thương mại điện tử tăng vọt đã được ghi nhận ​​tại nhiều quốc gia, dẫn đến việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến, vốn từ lâu đã trở thành ưu tiên của các doanh nghiệp bán lẻ.

Trong khi đó, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm máy tính đối với sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Trên thực tế, Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã bắt đầu sử dụng AI trong việc phân loại và tìm kiếm bằng sáng chế. Mặt khác, ở Trung Quốc, tòa án đã bắt đầu chấp nhận các bằng chứng dựa trên công nghệ blockchain trong các vụ việc tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Công nghệ AI

AI đã tạo ra làn sóng đầu tư trong những năm gần đây với các ứng dụng tiềm năng của nó đối với hầu hết các loại ngành công nghiệp, bao gồm cả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Công nghệ này cho phép các công ty phát triển các chương trình phần mềm có độ phức tạp cao, hỗ trợ kiểm tra lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng. Chính điều này giúp giảm tải các công việc tốn thời gian và tẻ nhạt của nhân viên.

cong-nghe-ai-la-cong-cu-quan-trong-giup-cac-doanh-nghiep-tiep-tuc-tao-ra-cac-tai-san-tri-tue-gia-tri-trong-nam-2022-1646651917.jpg Công nghệ AI là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp tục tạo ra các tài sản trí tuệ giá trị trong năm 2022

Trên thực tế tại Việt Nam, AI đang có sự tác động ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ với nhiều ngành, nghề. Ví dụ như trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, AI hiện đang được ứng dụng để xây dựng các phần mềm trả lời tin nhắn tự động (chatbot) và phần mềm phát hiện gian lận tài chính tại các cơ quan thuế. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI giúp nhận diện các sản phẩm và loại bỏ hàng hóa vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng. AI cũng được phát triển để hỗ trợ tại các trạm thu phí không dừng, các trung tâm điều hành giao thông hay các hệ thống taxi công nghệ...

Theo số liệu của Mạng lưới Trí tuệ nhân tạo Việt Nam – Australia, Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 2 khu vực ASEAN về số lượng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế AI (với 372 hồ sơ). Việt Nam cũng có khả năng áp dụng công nghệ AI để phục vụ quản lý nhà nước, xây dựng các thành phố thông minh và chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ tiềm năng này hứa hẹn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường Việt Nam, và dần dần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.  

Tuy nhiên, AI cũng tạo ra “cơn đau đầu” cho các cơ quan sở hữu trí tuệ trong việc cấp bằng sáng chế. Hiện nay, theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, chủ sở hữu bằng sáng chế chỉ có thể là tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, AI không phải là tổ chức, cũng không thể xét là cá nhân, cho nên AI sẽ không được xem là chủ sở hữu của bằng sáng chế. Nhưng trong trường hợp AI tự điều chỉnh dữ liệu và tạo ra một tính năng sản phẩm sáng tạo mới, ai sẽ được xem là chủ sở hữu sáng chế?

Tại một số quốc gia như Anh hay Châu Âu, AI mới và có khả năng sáng tạo được cơ quan sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế, miễn là nó được áp dụng cụ thể cho một ứng dụng kỹ thuật nhất định (AI áp dụng) hoặc được điều chỉnh cụ thể cho các tính năng kỹ thuật của hệ thống.

Công nghệ mã hóa NFT

Phần lớn các phân tích gần đây về NFT tập trung vào giá trị đầu tư của chúng, đặc biệt là sau sự sụp đổ lớn của thị trường tiền điện tử vào tháng 1 năm 2022.

NFT đã thu hút sự chú ý rộng rãi và các giao thức, tiêu chuẩn và ứng dụng của nó đang phát triển theo cấp số nhân. NFT đã được áp dụng thành công cho các tác phẩm nghệ thuật giả tưởng kỹ thuật số, trò chơi hay bộ sưu tập... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu sử dụng NFT trong các vấn đề như sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu không chỉ là một quá trình mất thời gian và kéo dài mà còn khá tốn kém. Hiện nay, để đăng ký một nhãn hiệu có thể mất thời gian vài tháng để cơ quan chức năng xử lý, còn trong việc thẩm định bằng sáng chế, thậm chí có thể mất nhiều năm.

Ngược lại, với các tính năng độc đáo của mình, NFT có thể hỗ trợ bảo vệ cho các tài sản trí tuệ trong khi người nộp đơn chờ cơ quan chức năng làm việc. Nó sẽ cung cấp cho các chủ sở hữu khả năng ‘mã hóa’ sáng chế hay nhãn hiệu của họ. Bởi vì các giao dịch sẽ được ghi lại trên một chuỗi khối, nên việc theo dõi các thay đổi về quyền sở hữu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ NFT và Blockchain trong thời gian tới sẽ giúp việc mua và bán bằng sáng chế trở nên dễ dàng hơn, mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp và trường đại học.

Tại Việt Nam, thương mại hóa các thành quả sáng chế từ các trường đại học đang là vấn đề được hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, để doanh nghiệp phát triển bền vững không thể chỉ dựa trên thành quả nghiên cứu của bản thân doanh nghiệp đó mà còn phải kết nối với các trường đại học. Các trường đại học là cái nôi tạo ra các sáng chế tiềm năng, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học vào đời sống và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay quá trình thương mại hóa sáng chế tại các trường đại học tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do các tác giả chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ để tiến hành đăng ký. Điều này khiến cho các doanh nghiệp lo ngại, các thành quả sáng chế có thể ‘bị đánh cắp’ và việc đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro về pháp lý.

Trong tình huống đó, NFT là một trong những giải pháp tiềm năng để giải quyết vấn đề này. Một cơ chế bảo vệ hiệu quả sẽ giúp thu hút và đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp, nhờ đó đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và các trường đại học.  

Công nghệ tái tạo

Sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), chúng ta có thể mong đợi sự tập trung toàn cầu trong việc phát triển các công nghệ xanh và sạch. Nâng cao hiệu quả sử dụng sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên như năng lượng, nước và phân hủy sinh học là những lĩnh vực then chốt.

Ví dụ, xe điện đang dần trở thành một xu hướng đi lại thường xuyên hơn thay thế cho các loại xe sử dụng xăng, dầu. Tại Việt Nam, hiện nay đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các dòng xe máy điện, ô tô điện, xa hơn nữa là xe tự lái. Với nhu cầu sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân cao và dân số lên tới 98 triệu dân, Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng để phát triển các loại xe điện thân thiện với môi trường.

mau-o-to-dien-vf-e36-moi-nhat-cua-vinfast-danh-dau-huong-phat-trien-phuong-tien-than-thien-voi-moi-truong-1646651935.jpg Mẫu ô tô điện VF e36 mới nhất của VinFast đánh dấu hướng phát triển phương tiện thân thiện với môi trường

Một thách thức đối với xe điện là kích thước của pin chiếm diện tích lớn và nặng. Khi công nghệ pin phát triển, chúng ta mong đợi sẽ có những thiết kế ô tô điện nhỏ hơn, nhẹ hơn và ô tô điện có thể đi xa hơn sau một lần sạc so với hiện tại.

Ngoài ra, tính thân thiện với môi trường cũng ngày càng được người tiêu dùng coi trọng, do đó các doanh nghiệp cũng phải xem xét đến các tác động của hoạt động sản xuất, kinh doanh đến môi trường. COP26 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia thành viên khi huy động 100 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào các dự án xanh thân thiện với môi trường. Do đó, các dự án xanh, các công trình nghiên cứu về công nghệ tái tạo sẽ đứng trước cơ hội nhận được sự đầu tư mạnh mẽ nếu thực sự đem lại hiệu quả về mặt bảo vệ môi trường.