Trần Lân

Đồng Tháp khai thác lợi thế từ trồng sen

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng sen hơn 800 ha; trong đó tập trung nhiều nhất ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông. Hầu hết trồng sen lấy hạt, đây chính là một lợi thế cạnh tranh cao cho sen Đồng Tháp nói riêng và sen Việt Nam nói chung.

Trồng sen ở Đồng Tháp phù hợp với điều kiện tự nhiên thích hợp với vùng đầm trũng, nước nhiễm phèn. Sen Đồng Tháp một năm được trồng 2 vụ chính. Sen có chi phí đầu tư tương đối thấp nhưng mang lại hiệu quả cao. Theo đánh giá của hầu hết các hộ dân tham gia trồng, qua khảo sát thì lợi nhuận trồng sen có thể gấp từ 4- 6 lần so với trồng lúa.

Trồng sen nhiều nhất là huyện Tháp Mười, chiếm diện tích hơn 400 ha. Ông Lê Văn Ngọt- Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện Tháp Mười chọn ngành hàng sen trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện với năng suất bình quân hơn 3 tấn sen/ha.

Các sản phẩm từ sen ngày càng đa dạng, việc sản xuất sen hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy. Từ đó nâng cao giá trị của cây sen. Từ năm 2019 đến nay huyện có 9 sản phẩm từ sen đạt hạng OCOP từ 3-4 sao. Đến nay, huyện hoàn thành tổ chức họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2021; trong đó, có 4 sản phẩm mới từ sen tham gia đạt từ 3 sao trở lên.

Cây sen ở Đồng Tháp được trồng nhiều hàng chục năm nay. Cây sen được trồng nhiều là do nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, hoặc mô hình trồng sen trong mùa lũ. Phần lớn người dân ở Đồng Tháp hiện nay trồng giống sen Đài Loan.

Ông Nguyễn Thành Vinh ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình làm một trong những điển hình trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao.

0525c07349394fda50ccec28d2204233images1408697-anh-1-2-1646554466.jpeg Đồng Tháp khai thác lợi thế từ trồng sen. Ảnh minh hoạ

Ông Vinh cho biết, trong những năm qua, ông mạnh dạn không sản xuất lúa Thu Đông và thay thế trồng sen. Ông so sánh trồng lúa Thu Đông mỗi ha lãi chưa được 10 triệu đồng, thậm chí lỗ khi vào mùa mưa lúa bị đổ ngã, giảm năng suất. Trong khi đó trồng sen lấy gương, sau 2,5 tháng cho thu hoạch kéo dài 2,5 tháng, tính bình quân mỗi ha trồng sen lấy gương cho năng suất hơn 8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, các dòng sản phẩm chính từ sen chuyển đổi từ sen lấy hạt sang đa dạng sen lấy lá, hoa làm thủ công mỹ nghệ mang lại giá trị cao đang được chú trọng. Hiện Đồng Tháp đang có hơn 500 sản phẩm từ sen gồm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, thuốc, mỹ phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm làm thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng lớn với mức độ đa dạng chưa cao và ở dạng thô chưa có công nghệ bảo quản. Về thị trường, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen như: túi sen, đĩa sen thân thiện với môi trường đang được tiêu thụ tại các nước phát triển. Các sản phẩm thực phẩm chức năng được tiêu thụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc...

Dược sĩ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu ở khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười khởi nghiệp thành công với sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên. Hiện sản phẩm đang tạo được lòng tin cho khách hàng bởi chất lượng và mẫu mã bao bì đẹp. Sản phẩm của anh Huy đang được phân phối tại một số nhà thuốc, cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, Công ty của anh đang có nhiều đơn hàng cung cấp cho các thị trường Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc. Bên cạnh sản phẩm trà lá sen đặc trưng, anh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen....

Mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Cỏ May Essential mong muốn thực hiện tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, huyện Tháp Mười dự án xây dựng Công viên Hoa sen và phát triển chuỗi giá trị sen Việt Nam.

Liên quan đến lĩnh vực này, những năm qua, Đồng Tháp đã gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, như: chủ đề “Vương quốc Sen và văn hóa tâm linh” tại đồng sen huyện Tháp Mười và nhiều điểm vừa trồng thu hoạch gương vừa làm điểm du lịch. Huyện Tháp Mười đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”. 

Không dừng lại ở du lịch ngắm đồng sen, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức giới thiệu, quảng bá, cung cấp hơn 500 sản phẩm từ sen, phục vụ khách du lịch, thưởng thức ẩm thực từ sen. Các sản phẩm này gồm rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen Bích Chi… Từ đó nâng cao chuỗi giá trị sen Đồng Tháp, trở thành đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Sen Hồng./.