Trần Lân

Trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ

THÁI BÌNH - Chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ, chất lượng đảm bảo, do đó sản phẩm măng tây xanh của HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) không phải lo đầu ra.

Thay đổi tư duy sản xuất

Cây măng tây xanh xuất hiện ở đồng đất Thái Bình từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, người dân chủ yếu canh tác theo truyền thống, lạc hậu nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao, năng xuất thấp, chất lượng không đảm bảo an toàn…

2-1651031757.jpg Măng tây xanh được canh tác theo hướng hữu cơ.

Nhận thấy tình trạng trên, ông Nguyễn Thành Trung (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã nảy ra nhiều ý tưởng để phát triển măng tây xanh theo hướng sạch, an toàn. Ông chọn con đường làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuy chậm nhưng phát triển bền vững.

Năm 2018, ông Trung thuê lại 1,5ha đất ruộng ở xã Quỳnh Giao để khởi nghiệp với cây măng tây xanh. Nói là thực hiện, ngay từ đầu ông đã áp dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ.

Trong thời gian chờ đất hả hơi, phơi ải, ông tranh thủ thu mua nguồn phân bò, phân trâu, vỏ trấu, men vi sinh…, để ủ hoai mục, làm phân bón hữu cơ. Khi mọi quá trình thực hiện đầu vào đã hoàn tất, ông bắt đầu vào việc gieo hạt, ươm cây.

Do đã chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu sản xuất, nên trong quá trình canh tác, cây măng tây xanh phát triển xanh tốt, thuận lợi. Sau 8 tháng bén rễ, đâm chồi, măng tây xanh cho thu hoạch vụ đầu tiên trước niềm vui, hào hứng của mọi thành viên trong gia đình.

“Canh tác theo hướng hữu cơ, cây phát triển tốt, đất đủ chất dinh dưỡng. Bởi vậy, chất lượng măng tây xanh ngon hơn so với canh tác theo truyền thống. Sản phẩm thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Giá bán cũng cao hơn”, ông Trung tâm sự.

Ông Trung nhẩm tính, trung bình mỗi ha, sẽ cho thu hoạch 12 tấn măng tây xanh/năm, với giá bán dao động từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, tùy vào từng loại. Hiện nay, thị trường tiêu thụ rất thuận lợi, chủ yếu được các thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua, sau đó xuất bán cho nhà hàng, khách sạn.

“Muốn bán được nông sản cho người tiêu dùng, thì trước hết nông sản đó phải sạch, đạt chất lượng”, ông Trung khẳng định.

Để nâng tầm thương hiệu, cũng như muốn giúp bà con nông dân thoát khỏi cảnh “được mùa, mất giá”, “đắt đồng, ế chợ”, ông Trung kêu gọi các hộ liên kết với nhau và thành lập HTX. Năm 2021, HTX Nông nghiệp hữu cơ Quỳnh Phụ chính thức được thành lập với 7 thành viên tham gia, do ông Trung làm giám đốc.

Từ lúc nhận nhiệm vụ mới, công việc của ông Trung ngày càng bận rộn hơn, ngoài việc chăm sóc vườn măng tây xanh của gia đình, ông còn tích cực hỗ trợ các thành viên về mặt kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

“HTX đã liên kết đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho 6 nhà vườn trồng măng tây của các hộ nông dân ở 4 huyện: Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Hưng Hà, Đông Hưng”, ông Trung nói.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác

Măng tây xanh là loại rau cao cấp có thân thảo dạng bụi lá kim. Cây có khả năng khai thác từ 4 - 8 năm. Song, đây là loại cây khó trồng, trước tiên muốn trồng được phải tìm hiểu kĩ về đặc tính loại cây này, từ khâu chọn giống đến nguồn đất trồng cho phù hợp.

1-1651031757.jpg Măng tây xanh đạt chuẩn chất lượng, không phải lo đầu ra

Với kinh nghiệm của mình, ông Trung chia sẻ: Trước tiên, phải xử lý đất, làm sạch đất; thời gian xử lý trong vòng 3 - 6 tháng. Giống phải phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi canh tác. Măng tây xanh rất hợp với đất cát, đất phù sa.

Do cây chịu úng kém, vì vậy hệ thống thoát nước sau mưa phải đảm bảo, thoát nước nhanh. Luống trồng măng tây xanh phải có độ cao tới 50cm. Cây cách cây 40cm, hàng cách hàng khoảng cách 1,5m.

Để tiết kiệm sức người, nhân lực, ông Trung phủ màng nilon nhằm hạn chế cỏ mọc. Đồng thời, sử dụng hệ thống tưới nước tiên tiến (béc phun) với mục đích tiết kiệm nguồn nước; hơn nữa tưới bằng phương pháp này, đất luôn ẩm, cây mát mẻ.

“Trong quá trình trồng măng tây xanh, hay gặp phải các bệnh gây hại như thán thư, nấm, rỉ sắt...; trong đó, bệnh nấm là bệnh khó xử lý nhất. Để xử lý các bệnh trên, HTX yêu cầu các thành viên phun trừ bằng thuốc sinh học”, ông Trung chia sẻ.

Ông Trung chia sẻ thêm, trong quá trình chăm sóc măng tây xanh, thông thường cứ sau 15 - 20 ngày sẽ bón phân hữu cơ một lần, kết hợp phun chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh và bệnh nấm.

“Nguyên tắc sản xuất của HTX là không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV; chỉ sử dụng phân bón hữu cơ đã ủ hoai mục, thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ sức khỏe cho đất, cho cây, cho môi trường, cho người sản xuất và cho người tiêu dùng”, ông Trung nhấn mạnh.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn măng tây xanh được canh tác theo hướng hữu cơ, ông Trung bộc bạch, thời gian từ lúc ươm hạt cho đến lúc trồng kéo dài khoảng 3 tháng. Từ lúc trồng đến khi cây cho thu hoạch là 8 tháng.

Với việc áp dụng trồng măng tây xanh theo phương pháp hữu cơ không sử dụng thuốc hóa học, không chỉ giúp cho việc bán hàng được thuận lợi hơn mà chính những người sản xuất cũng được đảm bảo sức khoẻ.