Trần Lân

Nghệ An: Nỗi niềm tăng giá trị cho cây thuốc lào

Cây thuốc lào hay còn gọi là tương tư thảo (cỏ nhớ thương) là cây trồng gắn bó bao đời nay của người dân các địa phương Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai), Diễn Hạnh (huyện Diễn Châu). Đây là loại cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, để cho ra sản phẩm thuốc lào thành phẩm xứ Nghệ này là cả sự kỳ công, nhọc nhằn nên giờ, ít người còn theo nghề…
anh-1-1652365567.jpg

Cây thuốc lào trên đồng đất Diễn Hạnh (Diễn Châu).

Cây trồng chủ lực một thời 

Những ngày cuối tháng 4/2022, chúng tôi về xã Diễn Hạnh (huyện Diễn Châu) khi nắng đầu mùa chưa đến độ gay gắt. Trên những cánh đồng, cây thuốc lào đã được thu hái gần hết, chỉ còn số ít cây già đã ra hoa, đậu quả, bà con còn trừ lại để lấy hạt làm giống cho vụ sau. Trên con đường làng đổ bê tông sạch sẽ, những nong thuốc lào được phơi ngay hàng, thẳng lối đã chuyển màu nâu dưới nắng hè.

Anh Cao Hải (xóm 3, Diễn Hạnh) cho biết: “Đến tôi là đời thứ 3 gắn bó với cây thuốc lào. Thời điểm làm nhiều nhất là 1 mẫu. Nay, chỉ còn 3 sào. Nghề này thu nhập khá nhưng lắm công phu. Không chăm chỉ, không chịu khó, không lam lũ thì không làm được đâu”.

Thời vụ bắt đầu xuống giống cây thuốc lào vào độ tháng 10 và thu hái vào tháng 4, tháng 5 năm sau. Việc chăm sóc cây thuốc lào khá kỳ công, hay bị đốm hoặc cháy lá. Do đó, hàng ngày phải dọn cỏ, bón phân đầy đủ, cân đối thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Đều đặn 5-7 ngày phải bẻ chồi phụ để tập trung phát triển cho thân chính; để lá thuốc lào to, dày, đạt chuẩn thì mỗi cây chỉ để 9 đến 10 lá. Đặc thù của cây thuốc lào là đất càng mặn thì lá càng to dày, nên người dân Quỳnh Dị (TX.Hoàng Mai) dùng bã mắm (xác cá sau khi ủ lấy nước mắm) đem hoà với nước lã để tưới cho cây. 

Sau 4 tháng tuổi, khi lá cây thuốc lào rủ cong xuống và ngả màu vàng là đến lúc thuốc chín là vào mùa thu hoạch. Những lá thuốc già rộp vàng, thẳng lá, dày, đủ ngày thu hoạch sẽ được bẻ khỏi thân thuốc, sau đó được làm sạch trước khi tuốt thành những lá mềm để vè thành những vè thuốc dài 2-3m, bán kính 40cm, ủ 3-4 ngày cho lá thuốc “chín” ròi đem cắt phơi. Ngày trước, người dân nơi đây phải thái thuốc bằng tay rất vất vả nhưng những năm gần đây có máy nên việc thái thuốc nhanh hơn, cho sợi nhỏ và đều hơn.

anh-2-1652365567.jpg

Thuốc lào thu hoạch xong được xếp, cuộn lại thành các vè thuốc dài.

Thuốc thái xong, dùng đũa chuyên dụng đánh tơi ra nong, phơi dưới nắng to 5-6 nắng, quá trình phơi thường xuyên trở thuốc để khô đều. Bí quyết truyền đời của người dân nơi đây là để thuốc thơm, ngọt, không quá hắc, nồng thì sau phơi nắng là dãi sương 3-4 đêm. Đặc biệt, người dân nơi đây còn dùng dung dịch cháo nếp nấu loãng, chắt lấy nước pha với cà phê và phun đều lên thuốc trong quá trình phơi để các sợi thuốc kết dính với nhau, tăng thêm độ ngọt, thơm cho loại “xì gà” đặc biệt này.

Theo anh Nguyễn Phúc Thăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Hạnh, Diễn Châu thì cây thuốc lào và nghề chế biến thuốc lào gắn bó với người dân Diễn Hạnh ngót trăm năm nay. Trước đây, thuốc lào là cây trồng chủ lực của địa phương, có những gia đình làm cả mẫu, đời nối đời, đồng đất Diễn Hạnh chủ yếu là thuốc lào.

"Trước những năm 2015, mùa thuốc lào đến là nhà nhà thu hoạch thuốc lào, người dân tập hợp thành nhóm hỗ trợ nhau tuốt lá, cuốn thuốc thành cây, thái thuốc… làng xóm rộn rã. Độ tháng 5, tháng 6, thuốc đã khô, đóng gói thành cuộn, thành phên, thương lái từ Thanh Hoá, Hải Phòng, Hà Tĩnh… tấp nập về làng thu mua thuốc lào thương phẩm. Hồi đó, nhà nhiều, sau vụ thuốc có cả trăm triệu trong tay. Cây thuốc lào giúp người dân xây được nhà, có của ăn của để, nuôi con cái học hành thành đạt”, anh Thăng kể.

anh-3-1652365566.jpg

Người dân thái thuốc bằng máy.

Trăn trở tăng giá trị cho cây thuốc lào

Song những năm gần đây, diện tích trồng thuốc lào dần thu hẹp do thị trường tiêu thụ chậm hơn, giá cả cũng thấp hơn trong khi vật tư, phân bón “leo thang”. Hiện, giá thuốc lào thương phẩm xuống còn 200.000 đồng/kg, giảm khoảng 70.000 đồng/kg so với trước, trong khi chi phí đầu tư cho 1 sào thuốc lào từ khi xuống giống đến khi thu hoạch làm nên thành phẩm (tiền làm đất, tiền phân bón, thuê nhân công thu hái, thuê máy thái sợi) tăng thêm 1-1,5 triệu đồng. Và nguyên nhân chính là lao động trẻ địa phương chủ yếu đi làm ăn xa hoặc chuyển sang kinh doanh, dịch vụ, ít người gắn bó với cái nghề khó nhọc này.

Hiện nay, ở Diễn Hạnh chỉ có khoảng dăm chục hộ còn gắn bó với cây thuốc lào, giảm 80% so với thời kỳ “hoàng kim”, cả làng, cả xã nhà nào cũng trồng thuốc lào, ít thì vài sào, nhiều thì cả mẫu. “Trước đây, so với các loại cây trồng khác thì trồng thuốc lào vất vả, nhọc nhằn nhưng hiệu quả kinh tế thì ít cây nào sánh nổi. Nhờ cây thuốc lào mà gia đình tôi nuôi được con cái ăn học trưởng thành, mua được đất, cất được nhà. Giờ, giá cả rẻ hơn, tiêu thụ chậm hơn, vợ chồng thì ngày càng già yếu, con cái đi làm ăn xa cả, nghề này lại kỳ công chăm bẵm, thu hái, chế biến nên dần dà rồi cũng nghỉ nghề thôi…”, anh Cao Hải cho biết.

5-1652362921.jpg

Công đoạn phơi thuốc.

Ở Quỳnh Dị (TX.Hoàng Mai) trên đồng ruộng, các loại cây trồng khác cũng đang dần thay thế cây thuốc lào vốn gắn bó với nông dân nơi đây từ thời mở đất, lập làng. Trước, diện tích trồng thuốc lào ở Quỳnh Dị lên đến hàng trăm hec-ta với hàng nghìn hộ dân trồng nhưng giờ đây cũng chỉ còn lại vài chục ha.

“Hiệu quả kinh tế kém thì buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác thôi. Dù rằng, người dân Quỳnh Dị vẫn cảm thấy tiếc nuối với cây thuốc lào, bởi nó gắn bó sâu nặng với dân làng bao đời nay, đem lại cho người dân cuộc sống sung túc, đủ đầy. Chỉ mong, thuốc lào thương phẩm tăng trở lại, cây thuốc lào sẽ phủ xanh đồng đất Quỳnh Dị như xưa”, bà Nguyễn Thị Hải, một người dân Quỳnh Dị chia sẻ.

19-1652362974.jpg

Để tạo vị thơm đặc trưng cho thuốc, người dân có bí quyết riêng.

Theo nhiều nghiên cứu, tất cả bộ phận của cây thuốc lào chứa thành phần nicotin nên được sử dụng để sản xuất thuốc diệt côn trùng, các loại thuốc bảo vệ thực vật và một số thuốc chữa bệnh ngoài da. Đặc biệt, khi xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần trở nên phổ biến rộng rãi thì thuốc lào được sử dụng nhiều trong việc chế biến các loại thuốc trừ sâu sinh học; tro của lá thuốc lào chứa nhiều can-xi, kali là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

3-1652362972.jpg

Thuốc lào thương phẩm được đóng gói thành những phên to, cất cẩnthận trong các túi ni-lông bọc kín.

Ông Ngô Đình Tưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu trăn trở nỗi niềm: “Với những công dụng của cây thuốc lào trong sản xuất nông nghiệp, rất mong các công ty sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón, các hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ quan tâm, đưa cây thuốc lào thành nguyên liệu sản xuất các chế phẩm. Từ đó, gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế cho cây thuốc lào, cây trồng này sẽ lại phục hồi trên đồng đất Diễn Hạnh nói riêng, Nghệ An nói chung, đem lại nguồn thu nhập cho nông dân các địa phương…”.