Tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo cho các khu công nghiệp Việt Nam (phần II)

Kinh nghiệm thế giới chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã diễn ra tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Brazil, Ai Cập, Trung Quốc (Tian & các cộng sự, 2014). Ngoài ra, chuyển đổi các KCX-KCN, cũng như các khu kinh tế thành KCN, KCX hay KCN sinh thái là một trong các khuyến nghị quan trọng của UNIDO đối với Việt Nam (UNIDO, 2015).
top-10-khu-cong-nghiep-lon-nhat-tphcm-1-1664594216.jpg Một góc khu công nghiệp Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh

Đúc kết các mô hình KCN thích hợp Việt Nam trong bối cảnh mới

Đúc kết 1: Mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp của các KCX-KCN Việt Nam là mô hình KCN sinh thái với các biến thể kết hợp liên quan đến đô thị/thương mại/dịch vụ. Tất cả các KCX-KCN hiện hữu tại Việt Nam phải có lộ trình từng bước tiệm cận với KCN sinh thái, vì đó là xu hướng tất yếu trên thế giới về phía cung và về phía cầu.

KCN sinh thái phù hợp với bối cảnh chuyển dịch cơ cấu từ công nghiệp sang dịch vụ, phù hợp với trình độ thu nhập bình quân đầu người trên 5.000 USD của các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao hiện nay, phù hợp với xu thế tất yếu phải chuyển sang động lực đổi mới sáng tạo, và đồng thời phù hợp với đề xuất của UNIDO theo dự án xây dựng KCN sinh thái cho Việt Nam.

Khoảng từ năm 2013-2015, với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (Global Environment Facility), Cơ quan phát triển Thụy Sỹ (Swiss Development Agency), UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã triển khai chuyển đổi thí điểm 3 KCN ở 3 địa phương: KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (tỉnh Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (thành phố Cần Thơ).

Đúc kết 2: Trong các mô hình KCN hiện hữu cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, học hỏi mô hình Phố sáng tạo theo hướng kết nối các tiềm năng từ các KCN cao, các KCN lân cận với các viện nghiên cứu và hệ thống các trường đại học thuộc các địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao và dịch vụ hóa nhanh, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển từ công nghiệp các địa phương này theo hướng đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi nhanh chóng giai đoạn hậu công nghiệp của sang giai đoạn 3 của hệ thống KCX-KCN dựa trên động lực đổi mới sáng tạo là chủ đạo.

Thực tiễn, khuyến nghị thứ hai của UNIDO (2015) đối với Việt Nam là thành lập các phố đổi mới sáng tạo (innovation districts) ở các thành phố lớn nhằm thúc đẩy các thành phố lớn chuyển đổi sang giai đoạn phát triển cao hơn của phát triển công nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số.

Đúc kết 3: KCX-KCN hiện hữu của Việt Nam phải từng bước tích hợp các yếu tố tích cực từ các mô hình KCN trên thế giới, vì các mô hình KCX-KCN của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành có tỉ lệ đô thị hóa cao hiện hữu là các KCN hỗn hợp đa ngành. Trong quá trình chuyển đổi hậu công nghiệp, nếu các địa phương này muốn tiếp tục duy trì KCN hiện hữu thì phải bổ sung các yếu tố tích cực từ các mô hình KCN được lược khảo trong nghiên cứu này bao gồm:

Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp trong KCN, kết nối chuỗi cung ứng trong/ngoài khu vực và quốc tế. Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi quá trình sản xuất theo hướng đổi mới sáng tạo gắn với quá trình chuyển đổi số và các yếu tố ICT.

Bổ sung hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp và các nhà phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm phát triển từng bước cộng sinh công nghiệp, giảm chi phí sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội bên trong KCX-KCN và kết nối hạ tầng xã hội ngoài KCX-KCN, đảm bảo từng bước tiệm cận các yêu cầu về mảng xanh và hạ tầng xã hội của mô hình KCN sinh thái./. (còn nữa)