Chuyển đổi số ở Tây Nguyên: Thay đổi tư duy để thoát nghèo, có người thành tỷ phú

Được thiên nhiên ưu đãi, hiện các tỉnh ở Tây Nguyên đang mạnh dạn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời góp phần đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng thuộc Tây Nguyên có đất đai rộng lớn, trù phú và có khí hậu ôn hòa, rất phù hợp để phát triển các cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su… và cây ăn quả: bơ, sầu riêng, mít Thái, chanh leo...

Trên cơ sở đó, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đồng thời góp phần đẩy mạnh khâu tiêu thụ, các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và đến nay đã đạt được những thành tựu nhất định.

Tại Gia Lai, công nghệ IOT, Big data bắt đầu được ứng dụng trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Toàn tỉnh có 51 mã số vùng trồng cây ăn quả, 21 cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu; 12 dự án trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao, hơn 100 cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc; hơn 300 đơn vị đăng ký sử dụng mã số mã vạch GS1; công nghệ tưới tiết kiệm, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) ngày càng phổ biến; nhiều dự án chăn nuôi công nghệ cao được UBND tỉnh phê duyệt...

cds-1652174312.jpg Tây Nguyên đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, nhờ ứng dụng nông nghiệp thông minh 4.0 trong nông nghiệp, nhiều trang trại trên địa bàn đã cho doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm; thậm chí, trồng hoa cao cấp còn cho doanh thu lên tới 24 tỷ đồng/ha/năm. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng đạt 60.228ha, tương ứng 20,08% diện tích canh tác toàn tỉnh. Hiện Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu Tây Nguyên về tỉ lệ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Đắk Nông cũng đang nỗ lực chuyển mình với công nghệ số. Tính đến giữa năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất hồ tiêu, cà phê và lúa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.434ha. Địa phương này cũng đã xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120ha nhằm thu hút doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Hiện, Đắk Nông đã có trên 140 tổ chức/cá nhân (cơ sở) được chứng nhận sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) hoặc tương đương với tổng diện tích trên 21.000ha.

Ngoài ra, để truy truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các địa phương vùng Tây Nguyên ứng dụng công nghệ số. Tính đến ngày 31/3/2022, trong tổng số 6.659 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử, toàn vùng Tây Nguyên có 524 sản phẩm - chiếm tỷ lệ 7,87% - trong đó, chỉ có 28 sản phẩm là sản phẩm OCOP (tỉnh Gia Lai có 27 sản phẩm, tỉnh Lâm Đồng 1 sản phẩm). Lâm Đồng là địa phương có số lượng nông sản trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhiều nhất trong toàn vùng với 235 sản phẩm, tiếp theo là Gia Lai với 160 sản phẩm...

cds1-1652174312.jpg Chuyển đổi số giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản

Chính nhờ chuyển đổi số đang ngày càng nhân rộng - năng suất, chất lượng và tiêu thụ nông sản tại Tây Nguyên đã chuyển biến tích cực, qua đó cải thiện đời sống của bà con nông dân, đặc biệt là bà con vùng cao, dân tộc thiểu số đã dần thoát nghèo, thậm chí đã xuất hiện những tỷ phú nhờ làm nông.

Tuy nhiên, chuyển đổi số tại Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế. Chẳng hạn như: Tư duy, hình dung của người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan, công chức về chuyển đổi số còn chưa rõ ràng, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số vẫn bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ. Ngoài ra, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, hạ tầng về chuyển đổi số chưa đủ mạnh và thiếu đồng bộ. Người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa…

Vì thế, để chuyển đổi số tại Tây Nguyên được đồng bộ, thực sự hiệu quả, ngoài sự đồng lòng từ chính quyền đến người dân, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp. Huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới...

Như TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên từng chia sẻ, để giải quyết “điểm nghẽn” trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên cần thực hiện những giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tiếp đến, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường xây dựng hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp và chuẩn bị đầy đủ về phương diện nguồn nhân lực.