Trần Lân

Chân dung Chủ tịch Phúc Sinh Group: Phan Minh Thông - “Vua xuất khẩu nông sản Việt Nam”

Vào năm 2015, Phan Minh Thông đã cho ra mắt K Coffee. Sau đó, ông đầu tư 100 tỷ đồng vào giai đoạn 1 của nhà máy cà phê Blue Sơn La chuyên sản xuất cà phê Arabica – vốn đã tồn tại hàng chục năm nhưng vẫn “ngủ quên”.

Ông Phan Minh Thông sinh năm 1975, ông Thông từng tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản ông Thông đã có hơn 22 năm hoạt động với số vốn tiết kiệm ban đầu là 60 triệu đồng. Ông miệt mài làm việc 20 tiếng mỗi ngày và từng bước tạo dựng uy tín của Công ty Cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) trong cộng đồng và đối tác nước ngoài.

ong-phan-minh-thong-vua-xuat-khau-nong-san-viet-nam-1685533421.jpeg

Ông Phạm Minh Thông

Phúc Sinh Group được thành lập vào năm 2001 là công ty làm thay đổi tư duy kinh doanh ngành nông nghiệp và đưa ngành nông sản vươn ra thế giới, đặc biệt thành công trong ngành hồ tiêu, cà phê với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm. Đồng thời, Phúc Sinh còn nằm trong top 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu nước ta. Ngoài ra, về xuất khẩu hồ tiêu Phúc Sinh Group đã trở thành công ty hàng đầu Việt Nam với 8% thị phần toàn cầu.

Ông Phan Minh Thông được mệnh danh là "Vua xuất khẩu nông sản Việt Nam". Sau 2 năm kinh nghiệm phát triển kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản cho một công ty lớn của nhà nước, ông Thông khởi nghiệp với 60 triệu đồng tiền tiết kiệm. Bằng khả năng thuyết phục khách hàng quốc tế, ông Thông đã khiến họ chấp nhận trả trước cho công ty, từ đó giảm áp lực về vốn và hiện thực hóa những đơn hàng đầu tiên.

Đối với số đông luôn cho rằng điều cơ bản nhất của khởi nghiệp đó chính là vấn đề về vốn, nhưng với hơn 18 năm lăn lộn trên thương trường, ông Thông cho rằng sự tự tin lại là vấn đề, thậm chí là sự liều lĩnh, khả năng thuyết phục và trước hết là thuyết phục chính bản thân. Ông từng đích thân đến gặp đại diện Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn vay kinh doanh nông sản, cũng từng năm lần bảy lượt đi thuyết phục Vietcombank để ngân hàng này cho phép thực hiện dịch vụ chuyển khẩu.

Theo ông, minh bạch là điều kiện đầu tiên và quý giá nhất để startup tạo dựng uy tín với khách hàng và ngân hàng. Cũng nhờ đòn bẩy uy tín, ông Thông đã có vốn để đầu tư nhà máy sản xuất gia vị đầu tiên sau những năm đầu thành lập. Đến nay, đã có 6 nhà máy thuộc hệ thống Phúc Sinh đặt tại Bình Dương, Đắk Lắk và Sơn La, chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản gồm tiêu, cà phê, gạo, quế, điều, ớt… và nhiều loại gia vị khác.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2006 đến năm 2018, Phúc Sinh của ông Phan Minh Thông đã 12 năm đứng vị trí số 1 về doanh số tiêu xuất khẩu với 8% thị phần toàn cầu. Đứng tại vị trí đó, “vua xuất khẩu nông sản” này cho biết, mỗi năm khi ra nước ngoài tham dự các hội chợ quốc tế lớn, ông rất buồn khi nhận ra rằng dù Việt Nam đứng thứ 1 về tiêu, đứng thứ 2 về cà phê trên toàn thế giới, nhưng thương hiệu Việt Nam còn bấp bênh trên bản đồ nông sản thế giới.

“Tôi quyết tâm dấn thân sản xuất những sản phẩm có thương hiệu, từ nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào và thơm ngon nhất để mang đến những sản phẩm sạch, ngon và an toàn cho người tiêu dùng trong nước”, ông Thông nói.

Vào năm 2015, ông Thông đã cho ra mắt K Coffee. Sau đó, ông đầu tư 100 tỷ đồng vào giai đoạn 1 của nhà máy cà phê Blue Sơn La chuyên sản xuất cà phê Arabica – vốn đã tồn tại hàng chục năm nhưng vẫn “ngủ quên”. Có thể nói, ông Thông đã chính thức có một startup mới - khởi nghiệp với FMCG trong nước. Nhưng đầu tư vào FMCG là một cuộc chơi có quá nhiều thách thức. Đối với mặt hàng cà phê, Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp đi trước chiếm lĩnh thị phần.

ong-phan-minh-thong-vua-xuat-khau-nong-san-viet-nam-1-1685533439.jpeg

Ông Phạm Minh Thông giới thiệu sản phẩm của Phúc Sinh

Ngoài ra, còn có hàng trăm doanh nghiệp gia đình và các nhà rang xay tự cung tự cấp. Đối với chuỗi cà phê, thị trường này đã thu hút rất nhiều nhân tài tham gia vào, thậm chí có nhiều ông lớn còn ngã ngựa, nhiều doanh nghiệp thất thu, phá sản buộc phải chuyển hướng.

Trước áp lực này, chọn ngách và phân khúc khó cho mình, với Cà phê nguyên chất 100% - ông Thông chọn cách thay đổi tư duy, nhận thức của người dùng khi lựa chọn thức uống ngon và tốt cho sức khỏe. Khó khăn lần này không còn là vốn hay uy tín, Phúc Sinh có cả hai. Cảm nhận của người dùng cũng được ông Thông định sẵn là "mưa dầm thấm đất" - vất vả bao năm. Ngọn lửa cạnh tranh trên thị trường FMCG với CEO trẻ thời điểm này là vấn đề về con người, về cách quản lý, vận hành, phát triển hệ thống.

Giá của ngành hồ tiêu Việt Nam đạt đỉnh từ khoảng trước năm 2014. Đến năm 2016, giá tiêu xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu giảm và từ đó đến nay đã giảm xuống mức thấp nhất do biến đổi khí hậu, sâu bệnh, nguồn cung lớn hơn nguồn cầu, còn có Brazil với đầy kinh nghiệm làm cà phê cũng tham gia “sân chơi” hồ tiêu đã làm tăng lên sự cạnh tranh trong thị trường này.

Trong giai đoạn đầy biến động của ngành hồ tiêu Việt Nam với những thăng trầm có thể khiến người bán thành tỷ phú hoặc phá sản chỉ trong một đêm, ông Phan Minh Thông luôn trăn trở làm thế nào để gia tăng giá trị hạt tiêu trong chuỗi cung ứng. Trong một lần đi hội chợ ở Đức, nhìn thấy ớt ngâm dấm giòn của người Đức bán trong siêu thị, ông đặt vấn đề: bạn bè quốc tế làm được, tại sao mình không làm được? Thế là ông lại bắt đầu hành trình khởi nghiệp lần thứ ba của mình.

Trở lại Việt Nam, Phúc Sinh quyết định đầu tư 50 tỷ đồng cho nghiên cứu và phát triển. Mẻ tiêu sốt đầu tiên thất bại. Đợt thứ hai thất bại. Lần thứ ba thất bại… Nhưng ông Thông lại không quá nản lòng. Ông Thông cho biết, để có mỗi mẻ sản phẩm ra lò đều có nước sốt tiêu xanh tươi ngon, có thể dùng ngay trên bàn quy trình này phải mất đến 6 tháng.

Nhưng sau hai tháng ở mẻ thứ n, sản phẩm rất tươi nên ông đã bán nó theo đơn đặt hàng quốc tế. Chỉ có điều ông và các cộng sự trong phòng nghiên cứu và sản xuất chưa tính toán đủ thời gian cho quá trình lên men vi sinh. Mẻ tiêu này đã bị lên men trắng bám trên chai, buộc công ty phải thu hồi toàn bộ sản phẩm.

Ông Thông và bạn hàng của mình phải chịu cảnh “đỏ mắt” vì mất tiền đau đớn. Bài học khởi nghiệp lần thứ ba với cách chế biến sâu hơn về hồ tiêu của Phúc Sinh đã trở thành kỷ niệm khó quên. Sau tất cả cố gắng, Phúc Sinh đã hoàn thiện quá trình nghiên cứu, công nghệ và quy trình sản xuất, và nhiều container đã chở tiêu sấy lạnh K Pepper và nước sốt tiêu xuất khẩu sang Châu Âu – khu vực đòi hỏi khắt khe nhất về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt năm 2018.

Đây chính là động lực để anh đưa sản phẩm vào thị trường trong nước, chắp cánh cho khát vọng chiếm lĩnh thị trường ngách trong ngành gia vị Việt Nam.

Theo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 ghi nhận, xuất khẩu của Phúc Sinh tăng hơn 60%, đạt doanh thu 200 triệu USD.

Sau hơn 20 năm, Phúc Sinh từ một doanh nghiệp khởi nghiệp với vài chục triệu đồng đã lớn mạnh thành Phúc Sinh Group với 1 công ty cổ phần với doanh số xuất khẩu khoảng 250 triệu USD, 1 công ty tiêu dùng và 6 nhà máy…

Xuân Thương/nhaquanly.vn