Trần Lân

Việc tách Luật Giao thông vẫn cần bàn và có nên đấu giá biển xe?

Cơ quan chức năng đã “thai nghén” từ năm 2020, để soạn thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, tách khỏi Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Khiến dư luận Nhân Dân nói vui: như vậy là họ sẽ “cắt nửa Luật Giao thông đường bộ”, thành 2 Luật.
https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/xe-co-gioi-1651657217.jpeg
 

Tôi cho rằng, xuất phát từ nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn xã hội nói chung và bảo đảm trật tự ATGT đường bộ nói riêng; mà đơn vị Tham mưu thuộc Bộ Công an tích cực, chủ động đề xuất, soạn thảo, xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ. Cơ quan Bộ Giao thông vận tải “cuốn theo chiều gió”, soạn thảo Luật Đường bộ; được Chính phủ đồng ý. Quốc hội đưa vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, để lý luận cho sự cần thiết tách Luật, có “quan chức” cứng nhắc, duy ý chí, chủ quan phát biểu trong hội thảo Khoa học gần đây rằng: Phải tách Luật Giao thông đường bộ, không cần bàn cãi nữa; vì chúng ta đang đánh đồng giữa ATGT đường bộ và an toàn chất lượng công trình giao thông (đường bộ)…

Trong khi đó, an toàn chất lượng công trình giao thông đường bộ đã có quy định cụ thể, chi tiết trong các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Tiêu chuẩn ngành (TCN), Điều lệ Báo hiệu đường bộ và trong thiết kể cầu đường bộ… Đặc biệt, Bộ Luật Hình sự đã quy định rất rõ ràng tại các điều: 224 (tội vi phạm quy định đầu tư xây dựng); 281 (tội vi phạm quy định duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông); 298 (tội vi phạm quy định về xây dựng, trong đó có an toàn chất lượng công trình giao thông)…

Thế nên, chúng ta đâu có đánh đồng (giữa ATGT với an toàn chất lượng công trình). Chả lẽ Luật Đường bộ, lại quy định chồng chéo với các TCVN, TCN… về các bề rộng: hành lang an toàn đường bộ, làn xe khẩn cấp (đường cao tốc), dải phân cách, dải an toàn, hệ số ma sát giữa bánh xe với áo đường; tiết diện các dầm cầu bê tông cốt thép dự ứng lực…?

Điều này đồng nghĩa với không tách Luật Giao thông đường bộ mới là chuẩn. Tránh được “hội chứng Luật”. Và có lợi với Nhân dân hơn. Không rườm rà, phức tạp hóa đối với người đi đường (phải học 2 Luật)… Đấy là còn chưa kể Luật giao thông đường bộ có rất nhiều chương, điều quan hệ hữu cơ, khăng khít “như môi với răng”, không thể tách rời, hay “chia lìa, cắt nửa” thành 2 Luật (Luật Trật tự ATGT và Luật Đường bộ).

Thí dụ chương II, điều 10, khoản 1 quy định hệ thống báo hiệu đường bộ: đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn… Hoặc điều 13, khoản 2 quy định đường 1 chiều… không thể tách bạch ra 2 Luật…

Ngoài ra, việc dự thảo Luật sẽ hiệu chỉnh điều 8, khoản 22 (Luật Giao thông đường bộ hiện hành): nghiêm cấm mua bán bất hợp pháp biển kiểm soát (BKS) xe cơ giới đường bộ, để sẽ thực hiện đấu giá BKS. Với lý do các nước ngoài đấu giá BKS lâu rồi. Trong nước đang có nhu cầu nguyện vọng chủ xe và đấu giá BKS sẽ tăng kính phí nộp Kho Bạc Nhà Nước, lại hạn chế tiêu cực trong công tác đăng ký, cấp BKS…

Song, đối với những chủ xe thông tuệ đều hiểu thực chất tài sản của họ là cái xe, chứ không phải BKS. Và theo cá nhân tôi nghĩ, họ sẽ không tham gia đấu giá (BKS), vì nó không phải là tài sản (mặc dù tới đây, Luật pháp có thể bổ sung BKS cũng thuộc tài sản chẳng hạn).

Đã thế kể từ ngày 21/5/2022, các chủ xe sẽ đăng ký, gắn BKS tại Công an xã, đối với xe mô tô, xe gắn máy; tại Công an huyện, đối với xe ô tô; thì chắc gì đã có BKS “như ý”, phân chia về huyện, xã mình, mà mất thời gian tham gia đấu giá… Tất nhiên chỉ đưa những biển được coi là đẹp ra đấu giá. 

Mặt khác, cơ quan chức năng đăng ký, gắn BKS xe để quản lý, phục vụ công tác nghiệp vụ. Do đó, tên gọi, BKS mới chính xác (tên gọi: biển số, hay biển xe chỉ là gọi tắt). Mà đã là BKS, thì (cơ quan chức năng) khỏi cần phải thực hiện đấu giá. Đơn cử CHLB Đức, một nước phát triển, văn minh hiện đại, cũng không đấu giá BKS xe cơ giới đường bộ./.