Dư địa tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp còn tới 30%

Các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, khảo sát cho thấy dư địa tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp còn khả thi từ 20-30%.
san-xuat-cong-nghiep-1651912643.gif Ảnh minh họa

Tiết kiệm năng lượng giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất do đó duy trì và tăng công ăn việc làm cho người lao động ở khu vực có thu nhập thấp có tác 27 động tích cực đến duy trì ổn định xã hội.

Hầu hết các công nghệ tiết kiệm năng lượng đều không có tác động tiêu cực đến môi trường do chủ yếu là thay thế các thiết bị có hiệu suất cao hơn hoặc thu hồi nhiệt khí thải, tái sử dụng chất thải làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Mặt khác tiết kiệm năng lượng sẽ làm giảm nhu cầu đốt than và các nhiên liệu hóa thạch ở các nhà máy nhiệt điện nên giảm lượng khí nhà kính giúp đối phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Có nhiều giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng khác nhau tùy thuộc vào từng ngành, lĩnh vực công nghiệp. Các giải pháp thường tập trung vào ba khu vực chính là hệ thống tiêu thụ năng lượng, hệ thống chế biến xử lý, và khu vực thu hồi nhiệt thải và sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất.

Đối với hệ thống tiêu thụ năng lượng, các giải pháp thông thường là nâng cấp nồi hơi và chuyển đổi nhiên liệu, sử dụng các thiết bị đồng phát và hệ thống dẫn động điện tử, bao gồm các hệ thống khí nén, hệ thống làm lạnh, máy móc và hệ thống chiếu sáng. Đối với hệ thống chế biến xử lý, các giải pháp sẽ tập trung vào nâng cấp và thay thế các trang thiết bị, máy móc.

Đối với hệ thống chế biến xử lý và khu vực thu hồi nhiệt thải: sử dụng nhiệt thải (khí, lỏng, rắn nóng hoặc lạnh) và các chất thải có thể cháy (khí, lỏng, rắn). Việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng có thể được xem xét. 

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng cho ngành xi măng bao gồm sử dụng máy nghiền thanh lăn cho nghiền vật liệu thô, nâng cấp các quạt lò và tối ưu hóa hoạt động của các quạt, lắp đặt các bộ biến tần, sử dụng nhiên liệu thải và thu hồi nhiệt thải. Ngành xi măng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, tạo ra một lượng lớn các nhiệt khí thải ở nhiệt độ lên tới 350oC.

Do đó, một trong các giải pháp được áp dụng để cải thiện hiệu suất năng lượng trên thế giới là sử dụng nhiệt khí thải để phát điện. Đây là một giải pháp đồng bộ đạt được nhiều mục đích khác nhau bao gồm: sử dụng nhiệt khí thải mà không tiêu thụ thêm nhiên liệu dành cho phát điện ở các quy mô công suất khác nhau, giảm phát thải khí nhà kính CO2, giảm thải nhiệt và bụi vào môi trường, tăng hiệu suất năng lượng cho dây chuyền sản xuất.

Theo giới chuyên gia, đầu tư cho tiết kiệm năng lượng là giải pháp đa mục tiêu. Về mặt kinh tế thì đây giải pháp có chi phí thấp nhất, chỉ bằng 1/4 chi phí cung cấp năng lượng thương mại tính theo mức giá năng lượng hiện tại. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ tăng năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp vì giảm giá thành sản xuất, tiết kiệm các chi phí.

Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng (TKNL) còn giảm áp lực chi tiêu của người dân, giảm áp lực về ngân sách, do đó Chính phủ có thể dành một phần ngân sách đầu tư cho phát triển các ngành kinh tế khác. 

Về mặt môi trường và biến đổi khí hậu, đây là giải pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải ô nhiễm, đối phó với biến đổi khí hậu. Khi sử dụng năng lượng tăng cao thì việc đốt các nhiên liệu hóa thạch ở các nhà máy nhiệt điện, các nhà máy công nghiệp, và các phương tiện vận chuyển sẽ làm tăng phát thải nhà kính, hủy hoại môi trường.

Nghiên cứu của WB về phát triển thấp các bon năm 2011 cho thấy tiết kiệm năng lượng là giải pháp có chi phí thấp nhất để giảm phát thải CO2, đóng góp khoảng 40% lượng giảm phát thải khí nhà kính trong kịch bản phát triển thấp các bon của Việt Nam.

Với mong muốn cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp để đóng góp vào mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như mục tiêu giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai xây dựng Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE).

Dự án được thực hiện dự án từ tháng 3/2022 - 1/2026, với tổng kinh phí 11,3 triệu USD (tương đương khoảng 252 tỷ đồng), bao gồm Hợp phần 1 - Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro: 3 triệu USD; Hợp phần 2 - Hỗ trợ kỹ thuật: 8,3 triệu USD.

Tham gia Dự án VSUEE, các doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng các công nghệ cải tiến và tối ưu hóa sản xuất để cắt giảm chi phí sản xuất và tiêu thụ năng lượng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của doanh nghiệp tại các thị trường trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại được hưởng lợi từ việc phát triển sản phẩm vay tiết kiệm năng lượng công nghiệp, được tăng cường năng lực kỹ thuật về thẩm định và theo dõi đầu tư cho tiết kiệm năng lượng. Thông qua những hoạt động này, WB mong muốn tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, các ngân hàng tham gia dự án còn được cấp bảo lãnh tín dụng một phần cho các khoản vay của doanh nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương): “Dự án VSUEE với mục tiêu là động lực, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp thay đổi công nghệ theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp.

Dự án mong muốn góp phần thúc đẩy khối doanh nghiệp công nghiệp kiên định theo đuổi mục tiêu tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu”.