Trần Lân

Nông dân tăng thu nhập nhờ trồng cây bưởi Luận Văn

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai để thực hiện mô hình trồng cây bưởi Luận Văn an toàn. Hiện loại bưởi này đang được người dân bán với giá từ 400-500 nghìn đồng/cặp, nhờ trồng lại bưởi này nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu với thu nhập khoảng 300-700 triệu đồng/năm.

Có dịp về huyện Thọ Xuân, được tham quan mô hình trồng bưởi Luận Văn của ông Nguyễn Văn Tư, xã Thọ Xương mới biết nghị lực thoát nghèo của một người nông dân. Ông Tư cho biết mình ra trong một vùng quê nghèo, tốt nghiệp trung học phổ thông ông Tư đã làm nhiều nghề để kiếm sống. Năm 2012, nhận thấy tại địa phương có điều kiện, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng cây bưởi, ông Tư đã tìm tòi, đến những hộ gia đình để tham khảo và học tập cách thức trồng bưởi.

Trong một lần đến nhà người quen trồng loại bưởi đỏ Luận Văn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tư đã vay vốn ngân hàng để thực hiện mô hình trồng bưởi Luận Văn. Để thực hiện mô hình, ông cải tạo khu vườn rộng 1 ha để trồng 100 gốc bưởi, quá trình chọn giống, chăm sóc ông luôn cẩn thận bởi cây bưởi Luận Văn không như các giống bưởi khác, vì phải trồng từ năm thứ 5 trở đi mới cho thu hoạch ổn định.

Ban đầu việc trồng bưởi khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng ông vẫn kiên trì, khi cây phát triển, ông bón phân và tỉa cành đúng thời điểm, loại cây này khi mới trồng quả bưởi vỏ màu xanh,nhưng đến tháng 7-8 quả bưởi Luận Văn sẽ chuyển sang màu vàng, đến tháng 10-11 quả bưởi từ vỏ đến tép bưởi đều chuyển sang màu đỏ gấc. Bưởi Luận Văn không những vỏ và ruột bưởi đều có màu đỏ rất đẹp, bưởi còn có mùi thơm đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng.

Để bảo quản bưởi, nếu sử dụng nước sạch để lau vỏ bưởi sẽ để được rất lâu, có khi vài tháng mới hỏng, còn nếu dùng rượu để lau bưởi sẽ có mùi thơm đặc trưng và màu sắc tươi đẹp hơn. Nắm được cách thức trồng bưởi, trong 5 năm đầu ông Tư đã có thu nhập 100 triệu/năm, sau khi đã có kinh nghiệm trong trồng loại bưởi này, ông Tư đã mạnh dạn mở rộng trồng thêm nhiều gốc bưởi, kết hợp trồng thêm một số loại cây hái quả khác để tăng thêm thu nhập.

buoi-2-1647425862.jpeg Ảnh minh hoạ

Nhờ kiên trì, chịu khó trong công việc, tới nay gia đình ông Tư đã có vườn bưởi lớn với 250 gốc, mỗi năm cho thu hoạch 6.000-7.000 quả bưởi Luận Văn, hiện ông bán với giá 400-500 nghìn đồng/cặp, thu nhập đạt 500-600 triệu/năm, sản phẩm bưởi của ông luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều thương lái ở các tỉnh như Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội đều về thu mua bưởi.

Nói về phương hướng trong thời gian tới, ông Tư cho biết cuối năm nay ông sẽ trồng thêm hàng trăm gốc bưởi Luận Văn nữa, đồng thời hướng tới xuất bán vào các tỉnh phía Nam để tăng doanh thu từ loại bưởi này. Bên cạnh đó, ông Tư cũng hướng dẫn người dân quanh vùng áp dụng tiến bộ mới vào trồng bưởi để phát triển kinh tế ngày tại nhà.

Cũng làm nghề trồng cây bưởi Luận Văn đã 20 năm nay, bà Kim Thị Nguyệt, xã Thọ Xương cho biết, nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật mới vào trồng cây bưởi Luận Văn, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo với 1 vườn trồng cây bưởi lớn, thu nhập 300 triệu/năm. Ngoài ra, bà Nguyệt còn làm thêm nghề thu mua bưởi cho bà con quanh vùng để bán đi các tỉnh khác.

Theo ông Phạm Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, những năm gần đây, xã đã có nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ trồng bưởi, hiện cây bưởi Luận Văn được người dân trồng chuyên canh theo mô hình vườn đồi, một số diện tích được trồng xen canh trong vườn các hộ gia đình. Thời gian tới, UBND xã phấn đấu  tăng diện tích canh tác từ 35 ha trồng cây bưởi hiện có lên 60 ha vào năm 2025.

Nhận thấy giá trị to lớn của sản vật bưởi Luận Văn, UBND huyện Thọ Xuân đã hỗ trợ xã Thọ Xương xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng phát triển. Huyện cũng đã có cơ chế khuyến khích các hộ dân trong xã đẩy mạnh khôi phục, nhân rộng vùng trồng bưởi Luận Văn, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo./.