Trần Lân

5 quy định người dân cần lưu ý khi xây dựng nhà

Nghị định 16/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã đưa ra nhiều mức phạt mới khi vi phạm quy định về xây nhà ở. Cùng với đó, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã đã đặt ra nhiều quy định mới liên quan về xây dựng.

 

xay-nha-1648912660.jpg Ảnh minh họa

Dưới đây là 5 quy định người dân cần nắm rõ nếu xây nhà trong năm nay:

1. Phải có giấy phép xây dựng mới được xây nhà

Khoản 12 Điều 3 Luật Xây dựng 2014, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Những loại giấy phép được quy định tại Khoản 3 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, cụ thể như sau: 

- Giấy phép xây dựng mới;

- Giấy phép sửa chữa, cải tạo;

- Giấy phép di dời công trình.

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Theo đó, người dân muốn xây nhà, sửa nhà... thì phải xin giấy phép xây dựng trừ các trường hợp nêu tại khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020:

- Nhà ở riêng lẻ ở đô thị có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị...

- Nhà cấp 4, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, xây dựng khu chức năng hoặc điểm dân cư nông thôn; ở miền núi, hải đảo...

Đồng nghĩa, các trường hợp còn lại không nằm trong các trường hợp nêu trên khi muốn xây dựng thì phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Nếu vi phạm, căn cứ Khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, người có hành vi xây nhà không phép sẽ bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng: Xây dựng nhà ở riêng lẻ (Quy định cũ tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ phạt 20 - 30 triệu đồng).

- Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng: Xây nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hoá hoặc công trình xây dựng khác (Quy định cũ tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ phạt 10 - 20 triệu đồng).

2. Không được xây nhà quá số tầng cho phép

Khoản 4 Điều 12 Luật Xây dựng 2014 khẳng định, một trong các hành vi bị cấm khi xây dựng công trình trong đó có xây nhà ở là: Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.

Như vậy, hành vi xây nhà quá số tầng cho phép, không đúng thiết kế xây dựng, không đáp ứng điều kiện về số tầng được phép xây dựng trong giấy phép xây dựng là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.

Theo đó, căn cứ Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi xây nhà, sửa nhà sai nội dung giấy phép được cấp sẽ bị phạt như sau:

Hành vi

Nhà ở riêng lẻ

Nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác

Khoản 4: Sửa chữa, cải tạo, di dời công trình

 

15 - 20 triệu đồng

25 - 30 triệu đồng

Khoản 6: Xây nhà mới 

30 - 40 triệu đồng

50 - 70 triệu đồng

Khoản 12 nêu: Xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Khoản 4, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều này thì mức phạt cụ thể:

100 - 120 triệu đồng

120 - 140 triệu đồng

Theo Khoản 13: Xử phạt đối với hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại tại Khoản 4, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8, Khoản 9 và Khoản 10 Điều này mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự 

120 - 140 triệu đồng

140 - 160 triệu đồng

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

3. Xây nhà trước khi có giấy phép bị phạt đến 100 triệu đồng

Theo khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, chỉ được khởi công xây dựng nhà ở khi có giấy phép xây dựng (nếu nhà ở đó thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng).

Do đó, nếu xây nhà khi chưa có giấy phép (kể cả trường hợp đang xin cấp giấy phép nhưng chưa có) thì vẫn thuộc trường hợp bị cấm và bị xem là xây dựng không có giấy phép.

Theo đó, căn cứ Khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt từ 60 - 80 triệu đồng nếu xây nhà ở riêng lẻ; bị phạt từ 80 -100 triệu đồng nếu nhà ở này được xây trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hoá hoặc công trình khác.

4. Không được để vật liệu xây dựng rơi xuống khu vực xung quanh

Hành vi này bị cấm theo như quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Theo đó, nếu như xây nhà không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 03-05 triệu đồng khi xây nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác.

- Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng khi xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng.

5. Xây nhà lấn đất hàng xóm sẽ bị tăng mức phạt lên cao hơn

Trong quá trình xây nhà nhưng cơi nới, lấn chiếm diện tích, không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của nhà hàng xóm hoặc khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung thì sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Khoản 10 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP:

- Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với Xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Phạt tiền từ 100-120 triệu đồng đối với Xây nhà ở trong khu bảo tồn, di tích lịch sử, văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.