Bước phát triển mới trong đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn ở Đà Nẵng

Việc ký kết thỏa thuận về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn còn thúc đẩy hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư vào thành phố Đà Nẵng.

Nhiều ý nghĩa đối với lĩnh vực bán dẫn, vi mạch

Ngày 26/1, tại Trung tâm hành chính Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi ký kết thỏa thuận ba bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA), Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân.

Được đánh giá là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, Khu Công nghệ Cao Đà Nẵng tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Thành phố này.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phát triển quan hệ hợp tác với Công ty cổ phần giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân về lĩnh vực này nhằm đóng góp một phần vào công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn của Thành phố này và cả nước.

Lễ Ký kết khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 đơn vị, là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực đang thiếu hụt ở lĩnh vực này cho thành phố Đà Nẵng trong tương lai.

Đồng thời, việc ký kết còn thúc đẩy hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư vào thành phố, đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương này.

Theo bản ghi nhớ hợp tác, các bên cùng hợp tác để tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn cho thành phố Đà Nẵng, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn trong thời gian tới của thành phố Đà Nẵng.

Kinh tế vĩ mô - Bước phát triển mới trong đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn ở Đà Nẵng

Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Đại học Duy Tân.

Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về thiết kế vi mạch bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.

Tại buổi lễ, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc Gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Cadence cho đại diện Đại học Duy Tân.

Góp phần vào việc đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, từ năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó sản phẩm vi mạch điện tử đã được xác định là sản phẩm quốc gia cần đầu tư phát triển tại Quyết định số 2441/QĐ-TTG ngày 31/12/2010.

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang trình Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển vi mạch điện tử trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Bộ Khoa học và Công nghệ hoan nghênh và chúc mừng Lễ ký kết hợp tác đào tạo thiết kế vi mạch giữa Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân.

Kinh tế vĩ mô - Bước phát triển mới trong đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn ở Đà Nẵng (Hình 2).

Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ tại sự kiện. 

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chúc mừng thành phố Đà Nẵng vì đã thu hút được các đối tác cùng hợp tác, triển khai hoạt động đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn Thành phố.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, hoạt động hợp tác 3 bên được ký kết hôm nay sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho Đà Nẵng và đất nước; góp phần vào việc đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng hy vọng: “Thực tiễn triển khai hoạt động đào tạo nhân lực này sẽ cung cấp thêm các luận cứ, góp phần tích cực cho việc hoàn thiện thể chế ưu thế đầu tư công nghệ cao nói chung và công nghệ vi mạch bán dẫn nói riêng”.